Nhiều kỳ vọng tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017

06:18, 17/05/2017
|

(VnMedia) - Sáng nay 17/5, Hội nghị với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. 

Khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu.

Thủ tướng
Thủ tướng gặp gỡ với  các doanh nghiệp. Ảnh:VGP

Trước thềm Hội nghị, hàng loạt kiến nghị của các doanh nghiệp đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN - VCCI tổng hợp. Ngoài ra, Cổng Thông tin Chính phủ cũng đã tổng hợp nhiều ý kiến doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.

Cho biết về những kiến nghị trong năm 2016, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, trong số 320 kiến nghị doanh nghiệp nêu tại hội nghị năm 2016 và 100 kiến nghị gửi bổ sung sau đó, phần lớn đã được giải quyết. Số còn lại đang được nghiên cứu giải quyết, nhất là những kiến nghị liên quan tới quy định của pháp luật cần sửa đổi.

Hiện, VCCI đã nhận được khoảng 200 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới Hội nghị năm nay, liên quan tới nhiều vấn đề. Chẳng hạn, mặc dù nhiều ngân hàng giảm lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng.

Nghị quyết 35 yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 năm 1 lần, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6,7 lần một năm. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thì có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.

Theo ông Lộc, việc thực hiện kiến nghị giảm chi phí cho các DN như: Giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistic... vẫn là một yêu cầu quan trọng. Bên cạnh đó DN cũng kiến nghị về vấn đề thủ tục phá sản DN; giải quyết tranh chấp; thanh tra, kiểm tra...

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cần hết sức tránh tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường. “Chúng ta sốt sắng phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, nhưng phải bằng các biện pháp kinh tế, bằng chính sách để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải nhà nước trực tiếp can thiệp bằng những biện pháp hành chính – điều này có thể gây ra những hậu quả về mặt dài hạn”, ông Lộc kiến nghị.

Theo đó, Chính phủ phục vụ doanh nghiệp nhưng không làm thay doanh nghiệp, làm thay thị trường. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhà nước cần “thoái sức” ra khỏi các dịch vụ công, tức là đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công. Ngay cả trong việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cũng không nên không hành chính hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo, xúc tiến… mà nên khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với sự cạnh tranh của thị trường.

ong phạm sỹ liêm
 Ông Phạm Sỹ Liêm,

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều, điển hình như xoá bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các Thông tư của các Bộ hay trong Quyết định của UBND tỉnh, Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện...

Vì thế, trong một năm số DN đăng ký thành lập mới vượt qua mức 10 vạn, số vốn đăng ký tăng nhiều, nhất là trong thị trường bất động sản.

Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng, một số mặt vẫn còn yếu kém như vấn đề nộp thuế, phá sản doanh nghiệp, giấy phép xây dựng...

Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chúng ta cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.

Theo ông, nên từ bỏ phương thức ban đầu quy định hết sức gò bó rồi nới lỏng dần theo đề nghị của DN, mà nên làm ngược lại, lúc đầu quy định hết sức thoải mái rồi căn cứ vào vào sự xuất hiện các tiêu cực của thị trường mà thắt lại dần để ngăn chặn.

Đồng thời, nên rà soát lại chế độ phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh: Nhiều địa phương đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin, Chính phủ có điều kiện trực tiếp quản lý nhiều việc mà không cần phân cấp, không sợ quan liêu trì trệ - Ông Phạm Sỹ Liêm bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất.

Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Theo ông Thân, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến.

Từ phía doanh nghiệp, chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh; một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải “chi ngầm” để được việc.

Để khắc phục hiện tượng này phải xuất phát từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp tăng cường kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị.

Ông Trương Đình Tuyển: Bàn các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này là rất cần thiết!

ong Trương Đình Tuyển
Ông Trương Đình Tuyển

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng: Vấn đề hoàn thiện thể chế có ý nghĩa quan trọng, cấp bách, tốc độ và trình độ phát triển của một lĩnh vực, một quốc gia chủ yếu là do thể chế quyết định.

Thể chế kinh tế thị trường (KTTT) ở nước ta từng bước được hoàn thiện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nền KTTT ở nước ta vẫn còn những bất cập, làm phát sinh những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc sử dụng và phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. Các loại thị trường, các yếu tố của KTTT chưa hình thành đầy đủ và vận hành đồng bộ. Giá một số loại dịch vụ vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tuy chiếm giữ nguồn lực lớn nhưng kinh doanh kém hiệu quả, thất thoát lớn, chưa làm được vai trò hỗ trợ, dẫn dắt khu vực tư nhân, thậm chí còn chèn lấn sự phát triển của khu vực này. Môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa hình thành được thị trường cạnh tranh ở không ít các ngành sản xuất và dịch vụ. Nền kinh tế phát triển không bền vững. Cần đánh giá đầy đủ thực trạng này để có những quyết định kịp thời và chính xác.

Đối chiếu thực tiễn với chuẩn mực chung nêu trong Nghị quyết Đại hội XII, cho đến nay, thị trường lao động có sự phát triển khá nhất nhưng do chế độ tiền lương còn bất hợp lý nên không bảo đảm sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao đến các cơ quan quản lý nhà nước-các cơ quan có vai trò quyết định trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Thị trường vốn chưa phát triển, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng, chẳng những gây áp lực lên các ngân hàng thương mại mà còn rủi ro lớn. Thị trường khoa học công nghệ vẫn còn rất sơ khai…

Trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chúng ta vẫn chưa tạo lập được thị trường cạnh tranh công bằng. Vẫn có sự phân biệt đối xử nhất định giữa 3 khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn, tiếp đến là DNNN; khu vực tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn lực. Từ đó, vấn đề mấu chốt là phải khắc phục tình trạng này. Phải đẩy mạnh cải cách DNNN, phát triển mạnh khu vực tư nhân. Cạnh tranh sẽ thúc đẩy các thị trường phát triển.

Cải cách DNNN không chỉ là cổ phần hóa, tuy cổ phần hóa là nội dung quan trọng nhưng điều còn quan trọng hơn là áp đặt kỷ luật thị trường lên hoạt động của DNNN, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả của DNNN.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cần lưu ý là kinh tế thị trường không phủ nhận DNNN, nhất là khi khu vực tư nhân còn nhỏ bé; vai trò của DNNN trong điều kiện này là thực hiện mục tiêu chính sách công mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc chưa đủ sức làm. Nhưng, theo tôi, trước khi sử dụng DNNN thực hiện mục tiêu đó, cần đặt câu hỏi: Có cơ chế nào, lực lượng nào thực hiện tốt hơn không?

Chúng ta vui mừng nhận thấy tư duy về kinh tế tư nhân của Đảng ngày càng phát triển, theo hướng phù hợp hơn với cuộc sống. Từ chỗ thiên về đề cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong đó DNNN là lực lượng nòng cốt, đến nay Đảng đánh giá kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển. Tôi cho rằng phải coi kinh tế tư nhân của Việt Nam là động lực chính. Vì vậy, bàn các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này là rất cần thiết, không thể chậm hơn.

Góp ý về những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt nhất.

Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp. Nhiều quy định hiện hành vẫn không phù hợp với cơ chế thị trường, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, từ đó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp. “Trên thị trường, nhiều khi chỉ hơn kém 0,5% chi phí thôi đã đủ tạo nên sự khác biệt lớn về khả năng cạnh tranh. Trong khi đó tại Việt Nam, gánh nặng chi phí không chính thức vẫn rất lớn”, ông Thành nói.

Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration - SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thì sẽ giúp xem xét ý tưởng khởi nghiệp đó có khả thi không, có trùng với các ý tưởng khác không… để tránh đi vào con đường người khác đã đi.

Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân. Điều này đòi hỏi một chiến lược, kế hoạch đào tạo tổng thể của nhà nước và có sự tham gia của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu….

Đinh Bách


Ý kiến bạn đọc