Xu hướng tiêu dùng: Người mua hàng đang trở nên phức tạp hơn

15:42, 25/05/2017
|
(VnMedia) – Theo ông Chaitanya Reddy - Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS Việt Nam, hiện nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh những mong muốn về chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa, thì nhiều khách hàng cũng bị hấp dẫn bởi các chương trình khuyến mại.
 
Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt
 
Tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017 vừa diễn ra sáng nay (25/5), ông Chaitanya Reddy – Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS Việt Nam cho biết, hiện nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ. Nếu như trước đây mua sắm thường diễn ra chủ yếu tại các chợ truyền thống, siêu thị, thì nay đang chuyển sang hình thức mua hàng online. 
 
Theo ông Chaitanya Reddy, Việt Nam có lợi thế là dân số khá trẻ và đang nằm trong tuổi lao động (khoảng 2/3 dân số có tuổi trung bình từ 15 - 59). Đây được xem là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp. 
 
“Với hơn 50% dân số kết nối Internet và khoảng 55% hộ gia đình có Internet đã làm thói quen thay đổi của người tiêu dùng. Theo đó, lượng người mua sắm tại các chợ truyền thống đã giảm xuống rõ rệt, thay vào đó đã có một lượng lớn người tiêu dùng sử dụng các thiết bị công nghệ cao để mua sắm. Đây được xem là cơ hội và thách thức đối với tất các các doanh nghiệp cung ứng”, ông Chaitanya Reddy chia sẻ.
 
Xu hướng mua hàng qua mạng đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường. Ảnh minh họa
Xu hướng mua hàng qua mạng đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường. Ảnh minh họa
Cũng tại hội thảo, dẫn lời nhận định của Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) khi phân tích về triển vọng của thị trường thương mại điện tử cho rằng, 6 nền kinh tế lớn trong khối ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam sẽ là điểm sáng tiếp theo của thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Hiện nay, trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường thuonwg mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. 
 
Việt Nam và một số nước châu Á khác là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines được dự đoán sẽ sớm gia nhập vào hàng ngũ này trong những năm tới. 
 
Theo phân tích của CNBC, 6 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ các nguyên tắc cơ bản của thị trường và sẽ sớm trở thành tâm điểm quốc tế về thương mại điện tử. Các chuyên gia dự báo doanh thu bán lẻ trực tuyến của 6 quốc gia này sẽ tăng 34,5 tỷ USD vào năm 2018 so với con số khiêm tốn 7 tỷ USD năm 2013. 
 
Thông qua nhận định, các chuyên gia tại Diễn đàn cũng cho rằng, hiện Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
 
Ngoài ra, dữ liệu về thói quen mua sắm trực tuyến do MasterCard cung cấp vào tháng 12/2015 cho thấy, 80% người sử dụng Internet ở các nước Đông Nam Á đã mua hàng trực tuyến trong ba tháng trước cuộc khảo sát. 
 
MasterCard lưu ý rằng, nhiều người mua sắm trực tuyến dường như là người mua lặp lại và tần suất đặt mua hàng trung bình được thực hiện trong mỗi thị trường được nghiên cứu là hai hoặc nhiều hơn. Tại một số thị trường tiêu dùng tiên tiến như Singapore, tần suất mua hàng lặp lại trung bình là hơn bốn và tại Việt Nam tần suất mua trực tuyến có thể hơn 3. 
 
Người tiêu dùng Việt có xu hướng sử dụng mạng xã hội để tiến hành giao dịch
 
Đưa ra nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới, ông Nguyễn Trần Hưng - Khoa Hệ thống thông tin và Thương mại điện tử - Đại học Thương mại cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có sự quan tâm và tiêu thụ mạnh mẽ những sản phẩm thân thiện với môi trường, và có đòi hỏi cao hơn về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. 
 
Cũng theo ông Hưng, đại bộ phận người dân Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và có thái độ tích cực đối với vấn đề về bảo vệ môi trường. Sau một loạt sự cố về ô nhiễm môi trường biển 2016 và những vụ liên quan đến thực phẩm bẩn bị phanh phui khiến người tiêu dùng phải “rùng mình” như, thịt hôi thối được phù phép đưa ra thị trường bán, nội tạng thối hô biến thành những món ăn khoái khẩu của dân nhậu, dùng dầu nhớt tưới rau muống tại Sài Gòn hay mỡ bẩn, giấm gạo làm từ acid… khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến nguồn gốc các loại thực phẩm. Điều này thúc đẩy hoạt động sử dụng và tiêu thụ những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường của người dân Việt Nam. 
 
“Thực tế đã cho thấy nhu cầu tăng đột biến về các sản phẩm là thực phẩm hữu cơ (Organic food) của nhiều người tiêu dùng Việt Nam, chính là minh chứng tốt nhất cho xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, giàu dưỡng chất tự nhiên, không hóa chất và thân thiện với môi trường trong thời gian sắp tới”, ông Hưng chia sẻ.
 
Theo đại diện Đại học Thương mại, người tiêu dùng Việt có xu hướng sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội để tiến hành giao dịch, mua sắm trực tuyến. 
 
Tại Việt Nam, sự phổ biến của các thiết bị di động trở thành một vật dụng cần thiết trong đời sống và công việc kinh doanh của phần lớn người dân, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM mà còn ở hầu hết các địa phương khác trong cả nước. Bên cạnh đó, sự phổ dụng của các mạng xã hội tại Việt Nam khiến cho số lượng người bán cá nhân, thậm chí cả các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội như một kênh bán trực tuyến chính thức bên cạnh các website. 
 
“Với sự lan tỏa và số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, các tương tác qua mạng xã hội ngày càng phổ biến thì việc người dùng Việt Nam tiến hành giao dịch, mua bán trực tuyến trên mạng xã hội sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trần Hưng nhấn mạnh.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc