Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận nể nang địa phương

19:18, 14/06/2017
|

(VnMedia) - "Chúng tôi cũng chưa thực sự nghiêm túc và còn nể nang chia sẻ những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân bua với đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm phát huy hiệu quả đầu tư. Đại biểu Cúc cũng cho biết, thời gian vừa qua việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm thường chậm, dẫn đến việc giải ngân chậm, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng về lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Ngân, trong gần 30 năm qua, kể từ khi chúng ta có Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 23,000 dự án đầu tư với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế mà cụ thể là đóng góp 18% cho GDP, 23% cho tổng vốn đầu tư xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% là kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại: ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

“Chính phủ sẽ có những giải pháp đồng bộ như thế nào để khắc phục được những tồn tại nêu trên nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường” - ông Ngân hỏi.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, ngành nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng tổng vốn đầu tư xã hội dành cho lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 5,5% so với tổng vốn đầu tư, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 18% cho GDP. Đặc biệt, khu vực này rất cần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng hiện nay việc thu hút chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1 - 2%.

“Giải pháp của Chính phủ là gì để tiếp tục thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp với công nghệ cao, nông nghiệp tiên tiến và đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam?” - ông Ngân tiếp tục đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đặt vấn đề, trong báo cáo của Bộ trưởng, phần 3 trả lời về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư là 1 trang, nhưng chủ yếu trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tra cứu được. Trong khi đó, vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương thế nào thì Bộ trưởng không nêu.

“Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, đại biểu Quốc hội khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu. Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì để khắc phục hạn chế” - Đại biểu Kim Thúy nhấn mạnh.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thì nêu, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 07 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và quy định việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014 sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành.

“Xin hỏi Bộ trưởng, sau năm 2014 nợ đầu tư xây dựng cơ bản có còn phát sinh không? Có thông tin cho rằng vẫn còn hiện tượng phát sinh nợ trong đầu tư xây dựng nông thôn mới”

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, Luật đầu tư công được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ 1/5/2015 với kỳ vọng sẽ khắc phục được những mặt tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Sau hai năm thực hiện luật, việc triển khai đã bộc lộ một số vướng mắc về thủ tục dẫn đến dự án triển khai chậm, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này và trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những giải pháp gì để khắc phục.”

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) đặt vấn đề nhiều dự án sẽ kết thúc trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhưng chưa được giao đủ vốn ODA theo hiệp định đã được ký kết.

Trả lời về vấn đề sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, hiện vẫn còn có những dự án đang được bố trí không được tập trung. “Vấn đề này do nhu cầu về đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm rất lớn, nhưng khả năng thu xếp vốn của chúng ta thấp hơn. Do vậy, việc bố trí, phân bổ của các bộ, ngành và địa phương do yêu cầu phát triển, do nhiệm vụ của mình thì cũng bố trí chưa được tập trung.” – ông Dũng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, còn một số các tiêu chuẩn, định mức xây dựng của một số ngành chưa được xây dựng nên việc xây dựng tổng mức đầu tư của các dự án chưa sát với dự án thực tế thì cũng dẫn đến giảm hiệu quả của nó…

Bộ trưởng thừa nhận chưa cương quyết, còn nể nang đối với yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

“Vì chúng tôi cũng thấy khó khăn của các địa phương, nhu cầu của các địa phương là rất lớn nhưng khả năng bố trí chưa phù hợp, nên các phương án làm đi làm lại nhưng chất lượng chưa được tốt, phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại. Chúng tôi cũng chưa thực sự nghiêm túc và còn nể nang chia sẻ những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm đó và cũng xin hứa với Quốc hội sẽ làm sao vẫn phải thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công nhưng cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình” - Bộ trưởng nói.

Về ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân đối với các dự án đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cũng thừa nhận mục tiêu đặt ra nhưng chưa đạt được, đó là một số dự án công nghệ không phải là công nghệ cao, còn có sự chuyển giá. Một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, nhiều năng lượng, nhiều nguyên vật liệu đầu vào của chúng ta, một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường, đó là một số hạn chế của đầu tư nước ngoài.

“Tuy nhiên, không phải vì những hạn chế này mà chúng ta không tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

“Trong tổng đầu tư của toàn xã hội trong các giai đoạn sắp tới, trong khi đầu tư của nhà nước đang còn khó khăn, hạn hẹp, phải dựa vào đầu tư nước ngoài, đầu tư của tư nhân, của xã hội. Chúng tôi muốn nói chính sách định hướng vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng và ít sử dụng lao động nhất. Đó cũng là lợi thế của chúng ta nhưng không vì nó mà lãng phí mà cần hướng đến môi trường, không tập trung vào những lĩnh vực gia công cũng như có những chính sách để chống chuyển giá của nước ngoài và khuyến khích chuyển giao công nghệ” - Bộ trưởng kết luận.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc