Nhu cầu tăng, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày… có đơn hàng ổn định

06:48, 20/06/2017
|
(VnMedia) -  Theo Bộ Công Thương, hiện các nhóm hàng dệt may, da giày… đã có đơn hàng ổn định đến tháng 9, một số doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến cuối năm. Nhu cầu khách hàng vẫn tăng là nguyên nhân chính góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
 
Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng
 
Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2017 đang được cải thiện dần, tháng sau cao hơn tháng trước, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là do tốc độ tăng trưởng của ngành khai khoáng trong 5 tháng đầu năm giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2016 (5 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ 2015 giảm 1,2%). Như vậy, mức giảm này đã thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức giảm của 4 tháng năm 2017.
 
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng mức suy giảm của ngành khai khoáng đã tiếp tục tác động đến tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tăng chậm lại.
 
Về sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục tăng trưởng gần bằng so với mức tăng cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của nhóm ngành này trong 5 tháng đầu năm tăng 9,7%, gần bằng mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2016 so với năm 2015. Đây là nhóm đóng vai trò quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng toàn ngành, đặc biệt là trong bối cảnh nhóm khai khoáng giảm mạnh.
 
Các nhóm hàng dệt may, da giày…có đơn hàng ổn định đến tháng 9. Ảnh minh họa
Các nhóm hàng dệt may, da giày…có đơn hàng ổn định đến tháng 9. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, sản xuất và phân phối điện 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng khá (tăng 10,4%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng còn thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ 5 tháng 2016 tăng 12%). 
 
Cũng theo Bộ Công Thương, việc ngành điện điều tiết giảm sản lượng sản xuất phù hợp với tình hình tiêu thụ cũng cho thấy những dấu hiệu khó khăn trong sản xuất...
 
Bên cạnh những yếu tố trên, Bộ Công Thương cũng cho hay, chỉ số tồn kho của một số ngành trong những tháng đầu năm đã giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 43,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 16,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%...
 
Môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
 
Đưa ra đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp sẽ duy trì xu hướng dần đi vào ổn định, tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu cải thiện (IIP 5T/2017 tăng cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với 4 tháng 2017; cao hơn 1,6% so với 3 tháng năm 2017).
 
Cũng theo Bộ Công Thương, nhập khẩu của nhóm các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu là đầu vào cho sản xuất công nghiệp trong nước tăng cao, tăng trên 25,7% là cơ sở để gia tăng sản xuất trong những tháng tới. Đầu tư nhà nước trong lĩnh vực chế biến chế tạo tăng trưởng cao nhất.
 
Đáng chú ý, các nhóm hàng dệt may, da giày…có đơn hàng ổn định đến tháng 9, một số doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến cuối năm, nhu cầu khách hàng vẫn tăng góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
 
“Năm nay dự báo mùa hè nắng nóng và gay gắt hơn các năm trước khiến cho nhu cầu tiêu thụ nhiều sản phẩm như điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng”, Bộ Công Thương thông tin.
 
Đặc biệt, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Theo Bộ Công Thương, hiện môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Việc tham gia và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn.
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành mà pháp luật không cấm, được bảo hộ quyền sở hữu về tài sản và thu nhập hợp pháp. Những ngành kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể hơn giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
“Sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng và là yếu tố chính đóng góp cho tăng trưởng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp do kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tiêu dùng năng lượng, hàng hóa gia tăng, giá dầu thô dự báo tăng hơn sẽ kéo theo giá các hàng hóa khác tăng... Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động có sản phẩm mới như Samsung và một số nhà máy điện, nhà máy hóa chất... sẽ khuyến khích, thúc đẩy sản xuất phát triển”, Bộ Công Thương cho hay.
 
Với những yếu tố trên, Bộ Công Thương dự báo, khả năng chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2017 sẽ tăng khoảng 8%.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc