Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh cách tính và miễn nhiều trường hợp

07:02, 16/08/2017
|
(VnMedia) -  Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công có thể được điều chỉnh giảm chỉ còn 5 bậc với các mức thuế suất từ 5 – 35%, thay cho 7 bậc như hiện hành. Với cách tính này, dự kiến thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm với nhiều đối tượng.
 
Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo đưa ra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Thuế Tài nguyên.
 
Biểu tính thuế lũy tiến đối với cá nhân còn 5 bậc
 
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương và tiền công.
 
Theo quy định hiện hành của Luật Thuế TNCN, biểu thuế lũy tiến gồm 7 bậc với mức thuế suất từ 5% đến 35%. Trong đó, đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%; 5-10 triệu đồng, thuế suất 10%; 10-18 triệu đồng, thuế suất 15%; 18-32 triệu đồng, thuế suất 20%; 32-52 triệu đồng; thuế suất 25%; 52-80 triệu đồng, thuế suất 30%; trên 80 triệu đồng, thuế suất 35%.
 
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, qua thực tế có nhiều ý kiến cho rằng biểu thuế trên không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như quá nhiều bậc thang, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp. Số lượng quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp không nhiều.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
“Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc xác định số thuể phải nộp”, ông Thi cho hay.
 
Với những lý do trên, Bộ Tài chính đề xuất nên giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Điều chỉnh thu nhập tính thuế ở tầng bậc theo số làm tròn chẵn. Cụ thể, đến 10 triệu đồng, thuế suất 5%; trên 10-30 triệu đồng, thuế suất 10%; trên 30-50 triệu đồng, thuế suất 20%; trên 50-80 triệu đồng, thuế suất 28%; trên 80 triệu đồng, thuế suất 35%.
 
Như vậy, nếu cách tính thuế lũy kế này được sửa đổi và áp dụng, hầu hết các cá nhân sẽ được giảm số thuể phải nộp so với hiện nay, nhờ khoảng cách giãn cách giữa các bậc thu nhập đã được nới rộng.
 
Nhiều trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân
 
Bên cạnh việc giảm lũy kế tính thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNCN đối với một số trường hợp đặc biệt.
 
Theo đại diện Bộ Tài chính,  thực tế hiện nay, việc miễn thuế TNCN đang được áp dụng đối với các đối tượng khác quy định ngoài như chuyên gia nước ngoài lại việc tại chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) (được miễn thuế theo Quyết định số 119/2009/QĐ-TTgCP ngày 1/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ); chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam ((được miễn thuế theo Quyết định số 06/2016/QĐ-TTgCP ngày 22/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ).
 
Cùng với đó, cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc Hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam (được miễn thuế theo Quyết định số 07/2016/QĐ-TTgCP ngày 22/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Những nội dung của các Quyết định này cũng được kế thừa từ các văn bản quy phạm trước đó (Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg, Thông tư số 52/2000/TT-BTC, Thông tư số 55/2007/TT-BTC).
 
Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn này, chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân đói với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài vẫn là cần thiết để khuyến khích, thu hút ngồn vốn vay và viện trợ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
 
“Việc miễn thuế TNCN đối với nhân viên Việt Nam làm việc cho cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc để bình đẳng về nghĩa vụ thuế, vì khoản lương mà nhân viên Việt Nam nhận được đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập theo quy định của Liên hợp quốc. Khoản thuế này do cơ quan đại diện của Liên hợp quốc giữ lại, coi khoản này như khoản thuế thu nhập quốc gia và đưa vào Quỹ bình ổn thuế của Liên hợp quốc và được trừ bớt phần định mức đóng góp hàng năm của quốc gia vào ngân sách của Liên hợp quốc”, Bộ Tài chính cho hay.
 
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế và đảm bảo cơ sở pháp lý, cần thiết phải có quy định giao Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn, giảm thuế trong một số trường hợp đặc biệt.
 
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất trên dự kiến sẽ trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi trong tháng 9 để kịp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc