Hàng loạt dự án yếu kém, thua lỗ khiến Vinachem lao đao

06:59, 20/09/2017
|
(VnMedia) -  Nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, 4 dự án do Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư gồm Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng…  đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.
 
Từ ngày 13 đến 16/9/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 17. Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ và một số thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
 
Theo đó, UBKT Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số cá nhân như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 16 của UBKT Trung ương, gồm: Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; đồng chí Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty; đồng chí Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
 
UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng.
 

 

4 dự án do Vinachem đầu tư đã hoạt động yếu kém để thua lỗ nặng. Đồ họa: Ngọc Hoa
4 dự án do Vinachem đầu tư đã hoạt động yếu kém để thua lỗ nặng. Đồ họa: Ngọc Hoa
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn; kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Đỗ Quang Chiêu và đồng chí Đỗ Duy Phi.
 
Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Anh Dũng. Yêu cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015.
 
Cũng liên quan đến Vinachem, thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đăng tải thông tin về những dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Tập đoàn, bao gồm Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; DAP  Lào Cai; Nhà máy DAP Đình Vũ. Đây là những dự án do Tập đoàn Vinachem đầu tư không hiệu quả, khiến lỗ lũy kế lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
 
4 dự án của Vinachem kể trên nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả của ngành Công Thương. Những dự án này đã tốn không biết bao giấy mực của báo giới, tốn bao thời gian họp hành, chỉ đạo của cơ quan quản lý các cấp.
 
Trong số 12 dự án/nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương, tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS; và Nhà máy thép Việt Trung); 3 Dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).
 
4 dự án thua lỗ của Vinachem đã nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương. Đồ họa: Ngọc Hoa
4 dự án thua lỗ của Vinachem đã nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương. Đồ họa: Ngọc Hoa
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.
 
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến câu hỏi về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ này tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương diễn ra hồi tháng 7, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương.
 
Theo ông Hưng, từ 17/12/2016 đến 16/01/2017, trong vòng 1 tháng, Ban chỉ đạo đã làm việc với 9/12 dự án, với từng Giám đốc, quản đốc phân xưởng... để nắm được tình hình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để có chỉ đạo, xử lý. Từ đó đến nay, có gần 200 văn bản chỉ đạo rất sát đối với từng vấn đề, từng dự án.
 
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ của Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương, một số dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt, đặc biệt là nhóm dự án 4 nhà máy phân bón, đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Ngoài ra, hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho. Thời gian tới sẽ còn nhiều vấn đề tiếp tục phải triển khai.
 
Theo báo cáo của Bộ Công thương, 4 nhà máy phân bón thua lỗ của Tập đoàn hóa chất hầu hết đã quay trở lại hoạt động ổn định với phụ tải trung bình đạt từ 75 - 90%. Với sự giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của Chính phủ và các bộ, ban ngành cùng với những nỗ lực của Công ty nên kết quả kinh doanh các nhà máy này đã cải thiện. Trong đó, nhà máy DAP Hải Phòng đã giảm dần số lỗ và bắt đầu có lãi.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc