Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống nền kinh tế nhưng khó tiếp cận vốn

06:43, 06/10/2017
|

(VnMedia) - Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế, nhưng hạn chế về vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật nên khả năng cạnh tranh không cao.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề: "Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, diễn ra ngày 5/10 .

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế

Theo ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó cộng đồng doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế. Và nói đến cộng đồng doanh nghiệp, không thể không nói đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi trong bất kỳ nền kinh tế nào, DNNVV cũng là xương sống của nền kinh tế.

Thông tin từ ông Khương cho biết, tại Việt Nam, hiện nay DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Bên cạnh việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế, rõ ràng cộng đồng doanh nghiệp này đang đóng góp cho sự ổn định công ăn việc làm, góp phần khắc phục rủi ro cho nền kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết, DNNVV có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 200 người, tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và tổng doanh thu năm liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê mới đây cho thấy có khoảng 590.000 DNNVV hoạt động tính đến cuối năm 2016; trong số đó 68% là siêu nhỏ.

Ông Lực cũng chia sẻ, nguồn vốn dành cho DNNVV đến từ các nguồn như ngân sách Nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…); Nguồn vốn nước ngoài; Huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); Đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…); Nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính; Vốn tự có, vốn góp.

Mặc dù DNNVV đã khá quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng trên thực tế khối doanh nghiệp này vẫn rất khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

Đưa nguyên nhấn khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao, ông Lực cho rằng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua. Cùng với đó, nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy. Thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV và qui định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV.

Ngoài ra, việc bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh. Thiếu các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, tư vấn, thông tin. Bên cạnh đó, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển. Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.

Doanh nghiệp nhỏ còn kinh doanh chụp giật

Chia sẻ về hoạt động của các DNNVV, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, hiện nay, các DNNVV rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật. Điều này khiến cho khối DNNVV chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh không cao.

“Ngay cả những điểm vẫn coi là lợi thế của DNNVV như cần ít vốn, cơ động và linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà trước hết là chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào và giá rẻ... thì cũng không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế vô cùng quyết liệt” – ông Quốc Anh cho biết.

Cũng theo ông Quốc Anh, trên thực tế không một doanh nghiệp nào có thể đảm bảo đủ 100% vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vốn tín dụng của ngân hàng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị cải tiến phương thức kinh doanh. Từ đó góp phần thúc đẩy tạo điều kiện cho quá trình phát triển sản xuất kinh doanh đựơc liên tục.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho biết thêm, cạnh tranh là một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, muốn tồn tại và đứng vững thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải chiến thắng trong cạnh tranh. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do có một số hạn chế nhất định, việc chiếm lĩnh ưu thế trong cạnh tranh trước các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài là một vấn đề khó khăn.

Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được thông qua là cơ hội tích cực tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn cho DNVVV, với chính sách này là bước ngoặt quan trọng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển. “Chúng tôi hy vọng với những quyết sách của Chính phủ hiện nay sẽ có những văn bản ban hành thiết thực hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng cho DNNVV, lực lượng doanh nghiệp quan trọng hiện nay của nền kinh tế tạo việc làm, góp phân an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, liên kết chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc