Lao động Việt Nam năng suất lao động thấp và ngoại ngữ yếu

10:32, 26/10/2017
|
(VnMedia) - Theo các chuyên gia, mặc dù lao động Việt Nam khá dồi dào, nhưng chất lượng lao động chưa cao, năng suất lao động ở mức thấp và trình độ ngoại ngữ của người lao động cũng tương đối yếu so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore...
 
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế "Nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EU)", diễn ra ngày 25/10.
 
Việt Nam cũng gặp thách thức trong thu hút và giữ nhân tài
 
Theo đánh giá tại Hội thảo, các hiệp định tự do thế hệ mới mang lại những cơ hội to lớn về việc làm, mà trước hết là cơ hội có thêm nhiều việc làm, việc làm có chất lượng cao. Dự báo nhiều ngành của Việt Nam có cơ hội đến với các thị trường dễ dàng hơn, trong đó giày dép, dệt may, nông sản… tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp thách thức trong thu hút và giữ nhân tài.
 
Qua khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội năm 2016 cho thấy, 2/3 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết phần lớn người lao động đang thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cả về kỹ thuật và kỹ năng làm việc cốt lõi khác. Trong đó, thiếu hụt kỹ năng làm việc cốt lõi nhiều hơn so với kỹ năng kỹ thuật.
 
Trong thời gian sắp tới, lao động Việt Nam sẽ phải chịu tác động kép của quá trình toàn cầu hoá, tự do hoá và cách mạng công nghiệp 4.0. Tác động kép này khiến những công việc cần lao động tay nghề thấp, công việc giản đơn có nguy có bị thay thế, mất việc cao.
 
 Hiện lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào. Ảnh minh họa
Hiện lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào. Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, hiện lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào (năm 2016 ước tính là 47,7 triệu người). Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, Việt Nam thiếu lao động có tay nghề, năng suất lao động ở mức thấp và trình độ ngoại ngữ của người lao động tương đối yếu so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore...
 
Trước tình trạng trên, ông Thuấn cho rằng, vấn đề nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một đòi hỏi mang tính cấp thiết. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lực lượng lao động còn giúp tăng năng suất của nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ hội nhập.
 
Trong khi đó, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội cũng chia sẻ, giải pháp đầu tiên là Việt Nam phải tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực quản lý, nghiệp vụ, ngoại ngữ để điều hành sản xuất - kinh doanh, đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động.
 
Để thực hiện được các giải pháp trên, ông Vinh cho rằng, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nhằm đổi mới hệ thống phát triển kỹ năng, để đáp ứng tốt hơn với môi trường làm việc luôn thay đổi và những sáng kiến cải tiến công nghệ mới…
 
Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do
 
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy xuất khẩu vững bền và cải thiện chất lượng hàng nhập khẩu, kể cả công nghệ.
 
Quan hệ hệ thương mại Việt Nam - EU có tình bổ sung cao, tạo điều kiện cho Việt Nam phát huy các lợi thế so sánh về tài nguyên, lao động giá rẻ và tay nghề thấp.
 
Các lĩnh vực cam kết chính trong EVFTA gồm: Thương mại hàng hoá; quy tắc xuất xứ; hải quan và thuận lợi hoá thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại...
 
Theo ông Nguyễn Quang Thuấn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ EVFTA. Trong đó, lợi ích quan trọng nhất là việc bãi bỏ thuế và lưu thông tự do trên thị trường châu Âu. EU sẽ tự do hóa 71% lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày thực hiện hiệp định và 99% hàng nhập khẩu sẽ được miễn thuế sau bảy năm.
 
Cùng với đó, dịch vụ và thương mại điện tử cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể. Thương mại dịch vụ hiện nay đang chiếm 70% GDP ở châu Âu và 40% GDP ở Việt Nam. Cuối cùng, thỏa thuận sẽ thúc đẩy đầu tư. Một hình thức bảo hộ đầu tư mới sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu.
 
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các lợi ích đòi hỏi phải có quy trình pháp luật quyết đoán, hài hòa và nhanh hơn ở Việt Nam. Cải cách hành chính và giám sát tốt hơn là cần thiết để thực thi luật pháp.
 
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác kinh tế lớn quan trọng của Việt Nam. Gần đây, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch lên đến 34 tỷ USD năm 2016. Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 11,1 tỷ USD năm 2016.
 
Về đầu tư, có thể nói EU là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Các nhà đầu tư EU đã đầu tư vào 18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân Việt Nam. Ba lĩnh vực tại Việt Nam được các nhà đầu tư EU quan tâm đầu tư nhiều là công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc