Người Thái Lan thích thú với hàng hóa của Việt Nam

06:53, 14/10/2017
|
(VnMedia) - Trong các chương trình giới thiệu các mặt hàng Việt Nam, người tiêu dùng Thái Lan rất quan tâm tới hàng Việt, đặc biệt là nông sản, thủy sản như bơ sáp Đà Lạt, thanh long, khoai lang giống Nhật Bản, cá ba sa… 
 
Người Thái Lan rất tò mò về hàng hóa Việt Nam
 
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Nhiều mặt hàng của Việt Nam đang được thị trường này rất ưa chuộng như thủy hải sản đông lạnh, điện thoại và linh kiện, máy vi tính… Ngoài việc XK hàng hóa trực tiếp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thành công hàng hóa sang Thái Lan thông qua các kênh phân phối của Thái Lan tại Việt Nam.
 
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo lộ trình cam kết. Cho đến nay, Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018.
 
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái Lan, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam (tên trước đây là Metro Cash & Carry Việt Nam), dựa trên khảo sát của MM Mega Market, người tiêu dùng Thái Lan rất tò mò và sẵn sàng dùng thử những sản phẩm mới, trải nghiệm mới.
 
“Trong các chương trình giới thiệu các mặt hàng Việt Nam, người tiêu dùng Thái Lan rất quan tâm tới hàng Việt, đặc biệt là nông sản, thủy sản như bơ sáp Đà Lạt, thanh long, khoai lang giống Nhật Bản, cá ba sa…”, bà Nga cho hay.
 
Bà Nga cho biết thêm, theo đánh giá của khách hàng và đơn vị nhập khẩu, hàng nông sản của Việt Nam rất có ưu thế về chất lượng, đảm bảo nguồn hàng liên tục và giá rất cạnh tranh. 
 
Đơn cử như mặt hàng khoai lang giống Nhật Bản có chất lượng tốt, rất ngọt và giá tốt hơn nhiều so với việc nhập khẩu từ Nhật Bản. Ngoài ra, một ưu điểm khác nữa của nông sản Việt là đa dạng về địa hình, khí hậu như rau củ quả từ Đà Lạt, thủy sản từ Cần Thơ hay trái cây phong phú từ Bến Tre… Điều này giúp các đơn vị thu mua có thể tìm được nguồn hàng tại một điểm đến.
 
Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia xúc tiến
 
Mặc dù hàng Việt Nam đang được người tiêu dùng Thái Lan đón nhận, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá dè dặt khi quyết định tham gia xuất khẩu. 
 
Theo ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, dù Bộ Công Thương muốn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại sang Thái Lan và đã ngỏ ý mời các doanh nghiệp tham gia, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà bởi họ cho rằng hàng hóa Việt khó cạnh tranh với hàng hóa Thái Lan ở thị trường Thái Lan. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang Thái Lan chưa được tổ chức nhiều và hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. 
 
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Kim Nga cho rằng, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ việc am hiểu nhu cầu thị trường và khâu quảng bá thương hiệu của nông sản Việt. Ví dụ như, mặt hàng thanh long, đối với thị trường Thái Lan họ ưa chuộng thanh long quả nhỏ vừa một người ăn nhưng nguồn hàng từ Việt Nam chủ yếu là quả size lớn và thương hiệu vẫn chưa được biết đến.
 
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam rất năng động khi tham gia thị trường từ việc tìm kiếm khách hàng, chuẩn bị nguồn hàng… nhưng lại chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới. 
 
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang quốc gia này. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp tự tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa tại Thái Lan, từ đó tăng xuất khẩu, giảm bớt áp lực nhập siêu.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc