Cảnh báo: 86% lao động chân tay ngành dệt may sẽ bị thay thế bằng robot

13:58, 13/11/2017
|
(VnMedia) – Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, 86% lao động chân tay của ngành dệt may sẽ bị thay thế bằng robot, những đơn hàng sản xuất hàng loạt theo kiểu số đo truyền thống sẽ không còn và nhiều nhà máy thông minh, nhà máy số sẽ ra đời.
 
Dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức
 
Đưa ra những khó khăn và thách thức của ngành dệt may Việt Nam trước hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết, ông Phạm Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho biết, thị trường nhập khẩu chủ yếu hàng dệt may Việt Nam đang có nhiều biến động lớn, khó lường. Đặc biệt, trường phái bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại với xu thế tự do hóa thương mại WTO đang trỗi dậy. Điển hình là Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP và Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit).
 
Cũng theo ông Thắng, xu hướng chung trong thỏa thuận FTA việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng dệt may để được hưởng ưu đãi được tính từ sợi hoặc vải. Chính vì vậy, nhiều nước đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư vào các khâu trước may.
 
Đưa ra dẫn chứng về vấn đề này, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho hay, nếu như Bangladesh trước đây chỉ có may, nay đã đầu tư mạnh vào dệt và nhuộm. Pakistan trước đây chỉ trông bông, sản xuất sợ nay đã đầu tư cho sản xuất vài và nhuộm. Chính cách làm như vậy đã tạo ra một chuỗi sản xuất – cung ứng và giúp cho năng lực cạnh tranh hàng dệt may của những nước này tăng lên đáng kể.
 
Cùng với những khó khăn trên, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cũng chia sẻ, hiện sản xuất hàng may Việt Nam còn bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài (80% nguyên liệu đầu vào phải nhập ngoại). Trong năm 2015, toàn ngành xuất khẩu được 27,7 tỷ USD thì phải nhập tới hơn 24 tỷ USD nguyên liệu và các yếu tố đầu vào.
 
Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động chân tay, sản xuất hàng loạt, quy trình lao động lặp đi lặp lại nhiều lần như ngành dệt may thì sự ảnh hưởng của công nghệ 4.0 sẽ là sớm nhất, mạnh mẽ nhất. Ảnh minh họa
Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động chân tay, sản xuất hàng loạt, quy trình lao động lặp đi lặp lại nhiều lần như ngành dệt may thì sự ảnh hưởng của công nghệ 4.0 sẽ là sớm nhất, mạnh mẽ nhất. Ảnh minh họa
 
Ngoài những vấn đề trên, vị chuyên gia này cũng nhắc đến những thay đổi của thời đại công nghệ 4.0. Theo ông Thắng, thời đại công nghệ 4.0 đã và đang ập tới đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế Việt Nam phải tái cơ cấu lại để thích ứng. Đặc biệt, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động chân tay, sản xuất hàng loạt, quy trình lao động lặp đi lặp lại nhiều lần như ngành dệt may thì sự ảnh hưởng của công nghệ 4.0 sẽ là sớm nhất, mạnh mẽ nhất.
 
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, 86% lao động chân tay của ngành dệt may sẽ bị thay thế bằng robot, những đơn hàng sản xuất hàng loạt theo kiểm số đo truyền thống sẽ không còn, chi phí giao dịch, hàng hàng sẽ giảm từ 30 – 80% so với hiện nay, nhiều nhà máy thông minh, nhà máy số sẽ ra đời. Đây là sự lột xác hoàn toàn của ngành công nghiệp dệt may chứ không phải là sự nâng cấp lẻ tẻ của từng nhà máy, từng công đoạn. Vì vậy, nếu ngành dệt may không bắt nhịp được với xu thế này của thời đại thì sẽ lại thêm một lần nữa bỏ lữ cơ hội như đã từng xảy ra với thời đại công nghệ 2.0, 3.0.
 
Cần coi trọng tạo dựng mối liên kết với các doanh nghiệp
 
Trước những khó khăn của ngành dệt may, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, để có thể hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, từng lô hàng của dệt may xuất khẩu Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải thực hiện ngay những giải pháp “đi bằng hai chân”.
 
Theo vị chuyên gia này, cùng với việc duy trì, tìm kiếm các đơn hàng gia công theo kiểu truyền thống, cần sớm chuyển sang hình thức mua nguyên liệu bán thành phẩm theo những mức độ khác nhau như tự chủ nguyên liệu, tự thiết kế - sản xuất, đảm đương tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm.
 
Cùng với việc phát triển thị trường xuất khẩu cần phải bám chắc và sâu hơi nữa vào thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Khi đó, ngành dệt may phải sản xuất ra được hàng dệt may cho mọi lứa tuổi, mọi giới tính của người Việt Nam chứ không phải chỉ đem bán những mặt hàng không xuất khẩu được như lâu nay.
 
“Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU (trong đó 5 thị trường lớn nhất là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha), Nhật Bản, Hàn Quốc… cần đặc biệt lưu ý phát triển các thị trường khác như Asean, Liên minh Á – Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ - Latinh… Ở đây, cần phải đặc biệt coi trọng tạo dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên thị trường sở tại”, ông Thắng nói.
 
Ngoài ra, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cũng chia sẻ thêm, bằng những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước vào các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm… đồng thời nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực để phát triển các nhà máy dệt may thông minh. Trong các nhá máy dệ may thế hệ mới này có sự tích hợp kết nối Internet, công nghệ điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế và ảo…
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc