Doanh nghiệp vẫn gặp khó do thủ tục hành chính phiền hà

15:17, 12/12/2017
|
(VnMedia) - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là thủ tục hành chính phiền hà.
 
Sáng nay (12/12), tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017. Tại đây, nhiều khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam đã được các chuyên gia đem ra bàn luận.
 
Doanh nghiệp vẫn kêu khó về thủ tục hành chính
 
Theo thông tin tại Diễn đàn, năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được hình định hình rõ nết từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể. Nhiều Nghị quyết quan trọng được ban hành thời gian qua như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.
 
Năm 2017 cũng được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…
 
Những nỗ lực trên đang tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động cũng như số vốn đưa vào đầu tư kinh doanh đều tăng mạnh mẽ.
 
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2017, cả năm có 116.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.131.819 tỷ đồng, tăng 14,1% về số doanh nghiệp và tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
 
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017
 
Bên cạnh đó, trong 11 tháng đầu năm có 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 140,4 nghìn doanh nghiệp.
 
Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh này của Việt Nam. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hàng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm trước đó và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Việt Nam tăng bậc mạnh mẽ, đến 14 bậc trong Chỉ số kinh doanh 2018 của Ngân hàng thế giới, lên vị trí 68/190 nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 11 tháng đầu năm, đã có 10.814 doanh nghiệp giải thể và 55.664 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt tăng 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Bằng chứng, kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) VCCI công bố vào tháng 3/2017 cho thấy, 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Cũng theo kết quả khảo sát này, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là thủ tục hành chính phiền hà.
 
Cần rà soát chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành
 
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, pháp luật về quản lý chuyên ngành của Việt Nam không phải là một hệ thống pháp luật đơn nhất, mà là tập hợp các quy định có liên quan tới quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành khác nhau.
 
Theo ông Lộc, hiện có khoảng xấp xỉ 300 văn bản (bao gồm các văn bản pháp luật và trong một số trường hợp, còn có cả các văn bản khác như công văn, hướng dẫn, thông báo… ) có quy định về vấn đề này, được soạn thảo, ban hành hoặc thực thi bởi ít nhất 10 Bộ chuyên ngành.
 
Từ việc rà soát các văn bản pháp luật có liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thực tế thực hiện kiểm tra chuyên ngành hiện nay, đại diện VCCI kiến nghị, cần khắc phục tình trạng kiểm tra toàn bộ các lô hàng.
 
Ông Lộc cho rằng, trong tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, việc kiểm tra chuyên ngành được thực hiện với 100% lô hàng, không phân biệt thời điểm nhập khẩu, chủ thể nhập khẩu, model hàng hóa đó đã từng kiểm tra chuyên ngành hay chưa. “Việc kiểm tra tất cả các lô hàng, là nguyên nhân cơ bản dẫn tới những bất cập chủ yếu trong thực tiễn quản lý chuyên ngành ở Việt Nam như thời gian giải phóng hàng bị kéo dài, chi phí quản lý chuyên ngành quá lớn… Điều này tạo ra sự chậm trễ và ách tắc trong thông quan”, Chủ tịch VCCI lý giải.
 
Bên cạnh những kiến nghị trên, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị rà soát thực tế chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành và thống nhất một cơ quan làm đầu mối.
 
Theo phân tích của đại diện VCCI, sự chồng chéo trong các quy định, trong phân công quản lý giữa các Bộ quản lý chuyên ngành dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra.
 
Ngoài ra, theo quy trình hiện nay thì Bộ quản lý chuyên ngành không thực hiện trực tiếp việc kiểm tra chất lượng hàng hóa mà chỉ xác nhận kết quả kiểm tra của tổ chức chuyên môn được chỉ định mà thôi. Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm giao quyền chỉ định tổ chức kiểm tra, đánh giá sự phù hợp cho Bộ quản lý chuyên ngành. Và trên thực các Bộ này chỉ định một số lượng rất hạn chế các tổ chức được quyền thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Điều này dẫn tới tình trạng ‘độc quyền’ của các tổ chức được chỉ định, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc