'Khai tử' xăng A92: Giá xăng E5 rẻ hơn và chưa ai phàn nàn về chất lượng

09:34, 22/12/2017
|
(VnMedia) -  Theo Quyết định của Chính phủ, bắt đầu từ 1/1/2018 sẽ khai tử toàn bộ xăng A92, thay vào đó trên thị trường chỉ còn xăng sinh học E5 và xăng A95. Theo các doanh nghiệp, giá xăng E5 rẻ hơn khoảng 1.000 đồng so với A95.
 
Xăng E5 chính thức ra thị trường với giá cạnh tranh
 
Nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025"; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
 
Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và 5 năm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 6/6/2017, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 255/TB-VPCP nêu rõ kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
 
Theo ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), xăng sinh học E5 là hỗn hợp xăng không chì và ethanol (cồn) nhiên liệu với hàm lượng ethanol từ 4 – 5% theo thể tích. Loại xăng này đã được đưa vào sử dụng thí điểm từ tháng 10/2008, rồi kinh doanh chính thức từ ngày 1/8/2010.
 
Xăng E5 sẽ rẻ hơn khoảng 1.000 đồng so với xăng A95
Xăng E5 sẽ rẻ hơn khoảng 1.000 đồng so với xăng A95
 
Cũng theo ông Cao Hoài Dương, PV Oil từ ngày 1/12/2014 đã bán xăng E5 tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Đánh giá về chất lượng xăng E5, Tổng Giám đốc PV Oil cũng cho hay, trong suốt 3 năm triển khai, Công ty không có bất kỳ khách hàng nào phàn nàn về chất lượng của xăng E5.
 
“Các nước tiên tiến trên thế giới đều đã sử dung xăng sinh học. Đơn cử, Brazil đã sử dụng xăng E5 và E10 từ năm 2003, Úc sử dụng E10 từ năm 2008, Đức sử dụng E5 và E10 từ năm 2010, Mỹ sử dụng E10 từ năm 2012. Và ngay tại châu Á, Philippines đã đưa xăng E5 vào quy định bắt buộc sử dụng từ năm 2009, rồi đến xăng E10 vào năm 2011. Thậm chí một quốc gia gần kề với Việt Nam là Thái Lan còn sử dụng xăng E85”, ông Cao Hoài Dương chia sẻ.
 
Nhiên liệu sinh học phát triển kinh tế nông thôn
 
Theo Bộ Công Thương, sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực đã dẫn đến tinh trạng di dân từ nông thôn ra thành thị với tốc độ ngày càng cao. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng các phương tiện giao thông, không khí và môi trường thành thị đã bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là các đô thị lớn.
 
Cùng với đó, mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn của Việt Nam đã ở mức báo động. Báo cáo triển vọng môi trường toàn cầu 4 do Chương trình Môi trường liên hợp quốc (UNEP) công bố từ năm 2007 đã đánh giá Hà Nội và TP.HCM là hai trong số sáu thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.
 
Vì vậy, việc sử dụng nhiên liệu sinh học pha vào xăng dầu sẽ góp phần giúp cải thiện tinh trạng ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu việc tạo các loại khí thải có trong các nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và CO2.
 
Ngoài ra, việc phát triển vùng nguyên liệu cho quá trình sản xuất ethanol (sắn, mía, tảo…) còn góp phần tạo thảm thực vật xanh làm giảm ảnh hưởng của bão lũ, xói mòn.
 
Cũng theo Bộ Công Thương, Ethanol ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ sắn được thái lát. Các nhà máy ethanol dùng sắn lát làm nguyên liệu đầu vào sẽ giúp người trồng sắn có đầu ra ổn định. Theo tinh toán, mỗi nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ thu mua ổn định cho khoảng 15 nghìn hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
 
Các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống cũng như kỹ thuật canh tác mới với mục đích tăng thu nhập cho hộ nông dân, tăng sản lượng hàng hóa… Chính vì vậy, thu mua sắn để sản xuất ethanol sẽ không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa mà còn giúp cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các địa phương, rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.
 
Tăng cường dùng nhiên liệu sinh học không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn góp phần mang đến sự chuyển mình tich cực cho cuộc sống của người dân tại vùng sâu, vùng xa của đất nước.
 
Bộ Công Thương cho biết, phát triển nhiên liệu sinh học giúp các quốc gia chủ động, không bị lệ thuộc vào vấn đề nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt với những quốc gia không có nguồn dầu mỏ và than đá.
 
Đồng thời, kiềm chế sự gia tăng giá dầu, ổn định tình hình năng lượng cho thế giới. "Việc phát triển nhiên liệu sinh học trên cơ sở tận dụng các nguồn nguyên liệu sinh khối khổng lồ và được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được sẽ thật sự là một lựa chọn ưu tiên trong việc đảm bảo về vấn đề an ninh năng lượng cho các quốc gia", Bộ Công Thương cho hay.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc