Cháy lớn gây chết người ở Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?

06:40, 01/08/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy bùng phát diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm.

Cháy lớn tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông - Hà Nội.
Cháy lớn tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông - Hà Nội.

Hàng loạt vụ cháy lớn do hàn xì

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến hàn xì, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Gần đây nhất là vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội xảy ra trưa 29/7, khiến 8 người chết, 2 người bị thương nặng. Nguyên nhân vụ cháy sơ bộ ban đầu được xác định là xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. 

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, cơ quan điều tra đã triệu tập vợ chồng chủ xưởng sản xuất bánh kem và chocolate Nguyễn Văn Được (sinh năm 1992, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội); đồng thời tạm giữ hình sự thợ hàn xì tên là Kiều Tiến Vinh để phục vụ điều tra.

Trước đó, một vụ cháy nghiêm trọng khác cũng liên quan đến việc hàn xì là vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán bar nằm trong khuôn viên khu giải trí Zone 9 ở số 9 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày 19/11/2013. 

Vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 14 giờ 30 khi nhóm thợ đang cải tạo một khu vực trong Zone 9 để làm quán café. Do bất cẩn, lửa hàn đã bắn vào đống vật liệu thi công có nhiều tấm xốp. Vụ cháy đã khiến 6 người đã tử vong và một số chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải nhập viện do bị ngạt khí trong lúc làm nhiệm vụ. 

Đau lòng hơn cả là vụ cháy tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) vào đầu tháng 11/2016. Vụ cháy xảy ra khiến 13 người chết; toàn bộ tài sản của quán karaoke này bị lửa thiêu rụi; 11 xe máy, 1 xe đạp điện của khách bị cháy, đồng thời cháy lan sang các quán bên cạnh gây hư hỏng và thiệt hại nhiều tài sản khác.

Quá trình điều tra vụ cháy này cũng xác định nguyên nhân cháy do khi hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện ở khu vực cửa ra vào phía ngoài, làm bắn các vảy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường phòng hát của quán karaoke gây cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh.

Vụ cháy xảy ra tại xưởng làm bánh khiến 8 người tử vong
Vụ cháy xảy ra tại xưởng làm bánh khiến 8 người tử vong

Trách nhiệm thuộc về ai?

Từ những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người xảy ra ở trên đặt ra câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm và vụ việc sẽ được xử lý ra sao?

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), khi xảy ra các vụ cháy, để xác định được nguyên nhân cũng như đối tượng gây ra đám cháy thì cần phải điều tra và cơ quan thẩm quyền đưa ra kết luận.

Ở vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì trong nhà xưởng thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Theo Điều 240 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về tội vi phạm quy định về PCCC thì người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.

Nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.

Trong trường hợp, nếu thợ hàn xì tự mình thi công theo hình thức cá nhân thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự.

Đối với trường hợp cháy quán karaoke, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phạm này thì cần phải xác định rõ cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra.

Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính.

Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở.

Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự).

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc