Đốt xe vì bị CSGT xử phạt: Phạm ba tội!

09:29, 05/08/2017
|

Trong mọi trường hợp, dù sai hay đúng, khi nhận được tín hiệu kiểm tra hành chính của lực lượng thực thi công vụ thì mọi công dân phải chấp hành. Mọi hành vi chống đối đều có thể bị xem xét dưới góc độ hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Anh LVQ đốt chiếc xe của mình khi bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện. Ảnh: TP
Anh LVQ đốt chiếc xe của mình khi bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện. Ảnh: TP
Khoảng 16 giờ 50 chiều 2-8, tại khu vực ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng, tổ công tác Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phát hiện anh LVQ (30 tuổi, trú Hà Nội) điều khiển xe máy chở hàng cồng kềnh nên ra hiệu lệnh dừng xe.

Đốt xe vì… bị phạt quá nhiều

Làm việc với cảnh sát, anh Q. không xuất trình được giấy đăng ký và bằng lái nên lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện. Sau khi ký vào biên bản vi phạm, Q. bỏ đi.

Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, khi xe tải chuyên dụng của lực lượng CSGT đến chở phương tiện vi phạm đi thì người đàn ông bất ngờ tiến lại gần rồi châm lửa đốt xe của mình.

CSGT đã khống chế Q., đồng thời sử dụng các phương tiện tại chỗ để dập lửa. Q. bị đưa về trụ sở công an để làm rõ.

Giải thích lý do tự châm lửa đốt xe, Q. nói vì đã vi phạm giao thông nhiều lần và số tiền phải nộp phạt nhiều hơn giá trị hiện tại của chiếc xe. Giấy tờ của phương tiện vẫn đang bị công an tạm giữ trong lần vi phạm gần đây nhất.

Ngày 4-8, liên quan đến vụ việc, Trung tá Đỗ Xuân Trung, Trưởng Công an phường Phương Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết sau khi lấy lời khai ban đầu, hiện hồ sơ đã được chuyển lên Công an quận Đống Đa tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Người dân đừng manh động!

Một cán bộ Đội tuyên truyền Phòng CSGT TP Hà Nội cho hay việc người vi phạm bất mãn, chống đối khi bị dừng phương tiện để xử lý thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Hình thức có thể là chửi bới, lăng mạ, hành hung hoặc đốt xe như trường hợp cụ thể của LVQ.

“Hành động này cho thấy sự phản ứng tiêu cực. Nếu không đồng tình với việc xử phạt thì người vi phạm hoàn toàn có quyền khiếu nại, tố cáo. Đốt xe không những gây thiệt hại tài sản cho chính mình mà còn gây nguy hiểm cho người khác, vi phạm pháp luật” - vị này nói.

Theo cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Hà Nội, đối với các trường hợp như trên, trước tiên CSGT sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế đối tượng đồng thời dập tắt đám cháy, sau đó bàn giao vụ việc cho công an phường sở tại giải quyết theo thẩm quyền.

Đại úy Lê Đình Nam, Đội trưởng Đội CSGT trật tự, phản ứng nhanh (Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nhận định hành vi đốt xe nói trên có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ tiến hành định giá tài sản chiếc xe để xác định mức độ thiệt hại. Trường hợp đã bị lực lượng CSGT lập biên bản thì người đốt xe có thể phạm hai tội là gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

Nếu chiếc xe không phải chính chủ thì người đốt xe còn có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS (khi tài sản bị hư hại được định giá có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên).

Theo LS Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc đốt xe trước mặt CSGT sau khi có lệnh tạm giữ phương tiện đã có dấu hiệu của hành vi cản trở người thi hành công vụ theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với cá nhân.

Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm nếu là người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Nếu việc đốt xe này nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS, hình phạt cao nhất có thể lên đến bảy năm tù.

Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh chiếc xe của Q. là mượn, thuê hoặc tài sản chung thì hành vi đốt xe còn có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trong mọi trường hợp, dù sai hay đúng, khi nhận được tín hiệu kiểm tra hành chính của lực lượng thực thi công vụ thì mọi công dân phải chấp hành. Mọi hành vi chống đối đều có thể bị xem xét dưới góc độ hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

LS Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đã từng có những vụ đốt xe tương tự

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng người vi phạm đốt phương tiện vì bị CSGT xử lý diễn ra. Trước đó, do phản ứng hoặc không đồng tình với mức phạt, nhiều chủ phương tiện đã tự ý gây ra các vụ việc tương tự.

• Ngày 28-10-2016, NVH (33 tuổi, trú Nghĩa Hưng, Nam Định) bị lực lượng CSGT Công an TP Phủ Lý xử phạt lỗi điều khiển xe máy sai làn đường trên quốc lộ 1A.

Bị tổ CSGT ra tín hiệu dừng xe vi phạm, người này đã nhận lỗi của mình. Tuy nhiên, sau một hồi xin không được, H. bắt đầu có ngôn ngữ thiếu kiềm chế với tổ CSGT và tự tháo vòi xăng rồi bật lửa đốt chiếc xe máy của mình.

• Trước đó, sáng 11-1-2016, tổ công tác CSGT TP Thái Bình (Thái Bình) làm nhiệm vụ tại khu vực ngã tư Lý Thường Kiệt thì phát hiện ông NVV (53 tuổi, trú TP Thái Bình) điều khiển xe máy không bật đèn xi-nhan.

Tổ công tác yêu cầu người này dừng xe để kiểm tra, sau đó tiến hành lập biên bản. Thế nhưng sau một hồi xin công an bỏ qua nhưng bất thành, người đàn ông bất ngờ bật lửa đốt xe của mình rồi bỏ đi.

(theo PLO)


Ý kiến bạn đọc