Nữ đại gia Hứa Thị Phấn phải hoàn trả 500 tỷ cho Ocean Bank?

10:51, 21/09/2017
|

(VnMedia) - Cho rằng bà Hứa Thị Phấn là người được hưởng lợi toàn bộ 500 tỷ đồng, theo đó, luật sư cho rằng bị cáo Phấn có nghĩa vụ hoàn trả cho Oceanbank khoản tiền này cùng toàn bộ tiền lãi theo hợp đồng tín dụng...

Nữ đại gia Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh
Nữ đại gia Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh

Ngày 21/9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần bào chữa bổ sung của các nguyên đơn dân sự, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc - một trong 3 luật sư bảo vệ quyền lợi cho Oceanbank  bào chữa yêu cầu về trách nhiệm dân sự và biện pháp bảo đảm về khoản tiền 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung vay của Ocean Bank.

Theo cáo buộc, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Muốn thâu tóm một số ngân hàng về OceanBank, ông Hà Văn Thắm gặp bà Hứa Thị Phấn (SN 1947, cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng  Đại Tín – TrustBank) đặt vấn đề chuyển giao ngân hàng Đại Tín (TrustBank).

Ngày 23/2/2012, hợp đồng kinh tế được ký kết giữa TrustBank với Hà Văn Thắm để bán gần 250 triệu cổ phần (gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này) với tổng giá trị ghi trong hợp đồng chỉ gần 4,5 tỷ đồng. Đổi lại, ông Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng cùng một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại TrustBank.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản TrustBank, Hà Văn Thắm phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng. Lúc này, Thắm đã thỏa thuận, chuyển nhượng lại TrustBank cho Phạm Công Danh.

Sau đó, ba bên đã bàn bạc và thống nhất việc bà Phấn cho Phạm Công Danh mượn một số tài sản để thế chấp cho khoảng vay 500 tỷ đồng tại ngân hàng OceanBank. Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung để vay tiền.

Số tiền 500 tỷ này được sử dụng để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại TrustBank, đồng thời được ghi nhận vào việc Phạm Công Danh trả tiền mua cổ phần TrustBank của nhóm bà Phấn theo như thỏa thuận.

Tuy nhiên, số tiền 500 tỷ đồng trên không có khả năng thu hồi. Mặt khác, tổng giá trị tài sản đảm bảo để vay khoản tiền này thực tế chỉ là gần 160 tỷ đồng. Phía OceanBank bị thiệt hại đến thời điểm năm 2014 cả gốc lẫn lãi là hơn 540 tỷ đồng.

Tại Tòa, luật sư Bắc cho rằng, căn cứ vào tài liệu điều tra, thì số tiền 500 tỷ có đường đi như sau: sau khi số tiền 500 tỷ được giải ngân vào tài khoản của công ty Trung Dung thì được chuyển sang tài khoản của 3 cá nhân, mỗi cá nhân 150 tỷ đồng và tài khoản ông Danh 50 tỷ đồng, Toàn bộ số tiền này được sử dụng để mở tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng.

Tuy nhiên, sau đó các tài khoản này được tất toán trước hạn, cùng ngày số tiền này bao gồm cả gốc và lãi được bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang phụ trách tài chính Thiên Thanh nộp vào tài khoản ông Danh. Sau đó, ông Danh lấy số tiền trên cùng với tiền của mình đã nộp 593 tỷ đồng vào tài khoản của 5 cá nhân nhóm bà Phấn.

“Cuối cùng, ngân hàng Đại Tín đã tự động trích số tiền này để tất toán hợp đồng tín dụng của các cá nhân này. Điều này hoàn toàn phủ hợp với lời khai của ông Danh”, luật sư Bắc nói.

Luật sư Bắc cũng cho biết, lời khai của 5 cá nhân trong nhóm bà Phấn cho thấy, việc họ đứng tên trên hợp đồng tín dụng tại Đại Tín là do bà Phấn nhờ đứng tên, họ không được lợi gì.

“Trên thực tế, bà Hứa Thị Phấn là người được hưởng lợi toàn bộ 500 tỷ đồng, theo đó, luật sư cho rằng bị cáo Phấn có nghĩa vụ hoàn trả cho Oceanbank khoản tiền này cùng toàn bộ tiền lãi theo hợp đồng tín dụng”, luật sư Bắc khẳng định.

Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm đã có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Các hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.

Ngoài bị cáo Hà Văn Thắm còn có hàng chục bị cáo khác là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo công ty BSC cũng phải chịu trách nhiệm hình sự từ việc làm sai trái của Hà Văn Thắm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc