Xử lý thế nào vụ lọt thông tin khách hàng đi máy bay?

06:17, 05/10/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, nếu kết quả điều tra xác định cá nhân, tổ chức nào cung cấp trái phép các thông tin của khách hàng cho bên thứ 3 mà không được sự cho phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính...

Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Hiện nay tình trạng thông tin cá nhân được phát tán, rao bán một cách công khai trên mạng tại Việt Nam đang gây bức xúc dư luận và gây phiền toái đến sinh hoạt của người dân. Các đối tượng phát tán tin nhắn rác dễ dàng tiếp cận qua điện thoại di động để phục vụ cho việc "dội bom" quảng cáo, mời chào sử dụng các dịch vụ,.. Đa phần người dân không hiểu vì sao số điện thoại của mình lại lọt vào tay những đối tượng đó.

Vụ việc điển hình vừa qua khi thông tin khách hàng đi máy bay bị lọt ra bên ngoài đến các hãng taxi hoặc số máy lạ hỏi thăm chào mời dịch vụ khiến nhiều hành khách bức xúc và đặt ra câu hỏi ai là người cung cấp thông tin cá nhân của họ cho bên thứ 3 khi chưa được sự cho phép của họ? 

Về vụ việc trên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Theo Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 

Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác .

Theo Điều 38 BLDS 2015 quy định Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. 

- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khoản 5 Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng quy định hành vi bị cấm: “Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân”

Điểm c, khoản 1 Điều 17 Luật an toàn thông tin mạng qui định Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm: “Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Về vụ việc thông tin khách hàng đi máy bay bị lọt ra bên ngoài đến các hãng taxi hoặc số máy lạ hỏi thăm chào mời dịch vụ, luật sư Thơm cho biết: Nếu kết quả điều tra xác định cá nhân, tổ chức nào cung cấp trái phép các thông tin các nhân của khách hàng cho bên thứ 3 mà không được sự cho phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/ NĐ-CP ngày 13/11/2013 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Theo khoản 2 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: “Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định”

"Ngoài ra, tùy theo vụ việc cụ thể, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009", luật sư Thơm nói. 

Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: 

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này; 

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; 

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; 

c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”


Khánh Công


Ý kiến bạn đọc