Nga "xây xẩm" vì đòn giáng choáng váng của NATO

12:57, 11/02/2016
|

(VnMedia) - NATO hôm qua (10/2) đã thông qua việc thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhất, táo bạo nhất từ trước đến nay nhằm ngăn chặn Nga phát động bất kỳ cuộc tấn công nào vào Baltics hay Đông Âu. Những bước đi này còn mở đường cho NATO có thể triển khai nhanh chóng các lực lượng không quân, hải quân và lục quân để đối phó với Nga mà không cần phải trông chờ vào các căn cứ quân sự thời Chiến tranh Lạnh.

NATO đau đầu bàn tính đối phó với Nga
NATO đau đầu bàn tính đối phó với Nga

Trong một nỗ lực nhằm khiến Moscow nản chí sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO giờ đây sẽ trông chờ vào một mạng lưới các căn cứ mới của liên minh, tiến hành triển khai lực lượng trên cơ sở luân phiên, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận, tích trữ vũ khí. Tất cả những việc này đều nhằm để phục vụ cho lực lượng phản ứng nhanh mà NATO lập ra để đối phó với một nước Nga mà họ miêu tả là ngày một “hiếu chiến”.

"Nga là một mối đe dọa”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania - ông Juozas Olekas đã nói như vậy tại cuộc họp của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ở thủ đô Brussels của Bỉ ngày hôm qua. "Chính hành động của Moscow ở Crimea, sự ủng hộ của họ dành cho lực lượng ly khai ở Ukraine và những cuộc tập trận bất ngờ, đột xuất của họ đã khiến chúng tôi lo ngại”, ông Olekas cho hay.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, những biện pháp quân sự mà NATO vừa thông qua nhằm đối phó với Nga đã cho thấy, NATO nói là làm và rằng điều đó cũng thể hiện sự đoàn kết mà phương Tây không thể có được khi đối mặt với Nga ở Syria. Ở chiến trường quốc gia Trung Đông, Mỹ đang đối mặt với sự chỉ trích gay gắt khi không ngăn được chiến dịch tấn công của quân đội Syria được sự hậu thuẫn của Nga vào các khu vực của thành phố Aleppo.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần này để nói rõ với Moscow về bản chất phòng thủ trong chiến lược của NATO ở khu vực Baltics và Đông Âu.

"Chúng tôi tin rằng, đặc biệt khi thời điểm khó khăn như hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt, việc chúng ta có những cuộc đối thoại chính trị, các kênh mở để trao đổi giữa NATO và Nga sẽ quan trọng hơn rất nhiều”, ông Stoltenberg cho biết thêm.

Nga bác bỏ việc nước này hành động một cách hung hăng, hiếu chiến. Moscow đổ lỗi cho phương Tây đã khích động làn sóng chống Nga trên khắp khu vực Đông Âu, đặc biệt là ở Gruzia, Moldova và Ukraine – những nơi từng năm trong vòng ảnh hưởng lịch sử của Nga.

Gruzia từng trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài 5 ngày với Nga hồi năm 2008. Nước này tiếp tục chống Nga mạnh mẽ và cảnh báo liên minh quân sự NATO rằng: “Với điện Kremlin, không có gì là không xảy ra”.

Trong khi đó, Ba Lan là nước lớn tiếng nhất trong việc kêu gọi NATO triển khai quân thường trú trên lãnh thổ của họ.

NATO cần tiền, binh lính để đối phó với Nga

Trong những cuộc thảo luận ban đầu, giới chức NATO cho rằng, họ có thể thiết lập một sự đoàn lên tới 1.000 quân ở mỗi một nước trong số 6 nước từng thuộc Liên Xô trước đây. Các nước này gồm Lithuanian, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgaria và Rumani. 6 sư đoàn trên sẽ được hậu thuẫn, hỗ trợ bởi một lực lượng phản ứng nhanh gồm các đơn vị hải quân, không quân và đặc nhiệm với số binh lính lên tới 40.000 người.

Khi được hỏi về việc liệu con số 1.000 quân được đặt trên lãnh thổ mỗi trong 6 nước nói trên là có thể chấp nhận được hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz đã nói rằng: “Theo quan điểm của chúng tôi, con số đó là quá ít”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho hay, kế hoạch của NATO là nhằm giúp liên minh quân sự này xây dựng một năng lực răn đe ở mức toàn diện, cao nhất để có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào.

Trong quá khứ, Mỹ từng triển khai khoảng 300.000 binh lính ở Châu Âu và NATO hiện tại muốn tránh phải triển khai một lực lượng lớn như vậy do vấn đề khó khăn về chi phí. Ngoài ra, NATO cũng không hề muốn chọc giận một “gấu Nga” có sức mạnh chẳng thua kém gì họ.

Anh tuyên bố, nước này sẽ đóng góp 2 tàu chiến cho lực lượng hàng hải của NATO trong năm nay, trong đó có một tàu khu trục được phái đến khu vực Baltic.

Một vấn đề khác là vấn đề ngân sách dành cho kế hoạch xây dựng năng lực răn đe – một thứ mà Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói rằng sẽ không “tự nhiên mà có”.

Mỹ đang tìm kiếm một khoản ngân sách 3,4 tỉ USD dành cho các sáng kiến trấn an Châu Âu năm 2017. Đây là một mức tăng gấp 4 lần so với chi tiêu hiện nay của Washington dành cho khu vực. Mỹ cũng muốn cung cấp nhiều xe tăng và sự hỗ trợ hơn nữa cho khu vực Đông Âu.

Bộ trưởng Carter cho biết, việc các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự là điều rất quan trọng.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

 


Ý kiến bạn đọc