Những cuộc chuyển giao quyền lực "sóng gió" tại Nhà Trắng

20:34, 12/11/2016
|

Ngày 10/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã có cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng để trao đổi về quá trình chuyển giao quyền lực sắp tới. Cuộc gặp diễn ra suôn sẻ, dù hai bên không giấu được sự căng thẳng.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 10/11 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 10/11 (Ảnh: Reuters)

Thực tế, lịch sử Mỹ từng chứng kiến những cuộc chuyển giao quyền lực gặp không ít trắc trở giữa hai chính quyền cũ và mới.

John Adams và Thomas Jefferson

Theo BBC, cuộc chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống John Adams và Phó Tổng thống Thomas Jefferson diễn ra không êm thấm. Trong cuộc bầu cử này, ông Thomas Jefferson, ứng viên của đảng Dân chủ - Cộng hòa, đã đánh bại ông John Adams, ứng viên của đảng Liên bang, và trở thành tổng thống Mỹ. Nhưng cuộc bầu cử kết thúc cũng đồng nghĩa với việc tình bạn thân thiết giữa hai ông tan vỡ. Theo đó, ông Adams đã rời khỏi Washington trước khi ông Jefferson tuyên thệ nhậm chức.

Franklin D Roosevelt (FDR) và Herbert Hoover

Cuộc bầu cử năm 1932, chứng kiến màn so găng giữa hai ứng viên Franklin D Roosevelt (FDR) và Herbert Hoover, diễn ra trong bối cảnh Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khiến uy tín của tổng thống đương nhiệm lúc đó là Hoover bị giảm sút và nhà lãnh đạo này cũng bị đánh giá là yếu kém khi không đưa Mỹ vượt qua cơn suy thoái.

Tổng thống Franklin Roosevelt (phải) đã ngồi cùng xe với người tiền nhiệm Herbert Hoover tới nơi tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức của ông vào tháng 3/1933 nhưng cả hai gần như im lặng (Ảnh: Slate)
Tổng thống Franklin Roosevelt (phải) đã ngồi cùng xe với người tiền nhiệm Herbert Hoover tới nơi tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức của ông vào tháng 3/1933 nhưng cả hai gần như im lặng (Ảnh: Slate)

Khi đó, ông Hoover đã không ngần ngại gọi người đánh bại mình, ông Roosevelt, là “tắc kè hoa” trong khi ông Roosevelt chỉ trích người tiền nhiệm là “gà trống béo nhút nhát”. Cả hai đều không ưa nhau và mất lòng tin vào nhau. Ông Roosevelt đã từ chối lời đề nghị do Tổng thống Hoover đưa ra nhiều lần rằng hai người sẽ phối hợp với nhau trước khi tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực. Điều ông Roosevelt muốn làm là xây dựng bộ máy chính quyền trái ngược hoàn toàn với tổng thống tiền nhiệm.

Sự căng thẳng trong mối quan hệ của hai tổng thống cũ và mới thể hiện rõ trong lễ nhậm chức của ông Roosevelt vào tháng 3/1933 khi hai ông gần như không nói với nhau câu nào dù cùng ngồi chung xe mui trần tới dự buổi lễ.

Harry Truman và Dwight Eisenhower

Mặc dù Tổng thống của đảng Dân chủ Harry Truman đã từng làm việc với Tướng Eisenhower trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và cùng tham gia vào quá trình sáng lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng cả 2 vẫn không có cuộc chuyển giao quyền lực vui vẻ khi ông Eisenhower đánh bại tổng thống đương nhiệm và trở thành ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 1953.

Xuất phát từ một số bất đồng trước đó, Tổng thống Truman đã châm ngòi cho sự căng thẳng giữa hai tổng thống cũ và mới khi công khai chỉ trích ứng viên tổng thống Eisenhower và cho rằng ông Eisenhower không phù hợp để trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ. Đáp lại điều này, Tổng thống mới đắc cử Eisenhower đã từ chối dự bữa ăn trưa trước Giáng sinh do Nhà Trắng mời và trong lễ nhậm chức, ông cũng không chào đón tổng thống tiền nhiệm Truman trước khi cả hai rời khỏi buổi lễ.

Bill Clinton và George W Bush

Tổng thống Bill Clinton (phải) và Tổng thống kế nhiệm George W Bush (Ảnh: NYT)
Tổng thống Bill Clinton (phải) và Tổng thống kế nhiệm George W Bush (Ảnh: NYT)

Một sự việc đã xảy ra giữa Tổng thống đương nhiệm Bill Clinton và Tổng thống mới đắc cử George W. Bush vào năm 2001. Khi đó, ông Clinton đã mời ông Bush cùng uống cà phê trước ngày ông Bush nhậm chức tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống Clinton đã để người kế nhiệm mình phải chờ tới 10 phút vì đến trễ.

Ngoài ra, lịch sử mối quan hệ giữa nhà Clinton và nhà Bush cũng tương đối phức tạp khi ông Clinton cũng chính là người đánh bại cha của ông George W. Bush, Tổng thống George H.W. Bush, trong cuộc bầu cử vào năm 1992.

Theo dantri.com.vn


Ý kiến bạn đọc