7 cường quốc "vỡ trận" trước Nga

09:33, 12/04/2017
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano hôm qua (11/4) xác nhận, ngoại trưởng các nước thành viên G7 đã không thể thống nhất được với nhau về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vấn đề Syria.

Tại cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước G7
Tại cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước G7

"Hiện tại, không có sự thống nhất nào về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga như một công cụ hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria”, ông Alfano cho các phóng viên biết sau cuộc họp của ngoại trưởng các nước G7 ở Lucca.

Từ năm 2014, quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong một diễn biến mới nhất, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 4/4 và sau cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào Syria, các cường quốc phương Tây đang tính đến chuyện tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, có vẻ như các nước thành viên G7 đã không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Trước đó, một số nước Châu Âu vốn đã có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt mà họ phát động từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Vì thế, sẽ là dễ hiểu khi lần này, lời kêu gọi tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã không nhận được sự đồng thuận.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc