Bỏ Nga theo Mỹ, Ba Lan và Ukraine nhận cái kết đắng?

11:28, 27/04/2017
|

(VnMedia) - Ba Lan là nước thành viên EU duy nhất đối mặt với viễn cảnh bị Mỹ cắt 100% viện trợ tài chính trong năm 2018. Cùng với đó, Ukraine cũng chịu chung số phận khi nằm trong danh sách bị cắt giảm phần lớn viện trợ tài chính của Mỹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuần này, báo chí Mỹ đang rộ lên thông tin về kế hoạch được Tổng thống Donald Trump thông báo trước đó liên quan đến việc cắt giảm nguồn quỹ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Đây là một phần nỗ lực của Washington nhằm tạo thêm nguồn tiền đầu tư cho quân đội. Cụ thể, theo kế hoạch, sẽ có một số nước bị cắt giảm nguồn viện trợ trong khi một số nước khác lại được tăng viện trợ.

Ba Lan là nước thành viên duy nhất của Liên minh Châu Âu (EU) nằm trong số các nước bị cắt giảm lớn nguồn Quỹ Hỗ trợ Kinh tế trong khi một số nước như Iraq và Libya lại nhận được nguồn tăng đáng kể. Thực tế, Warsaw sẽ mất 100% nguồn quỹ nói trên, tương đương khoảng 3 triệu USD/1 năm; Ukraine mất 68,8% nguồn quỹ; Serbia mất 32,6%, Macedonia mất 31% và Kosovo mất 31,7%.

Trong khi đó, Iraq lại được hưởng khoản tăng viện trợ lớn nhất với mức tăng là 144,9%; Libya được tăng 130% . Và thêm một điều thú vị nữa là viện trợ của Mỹ cho các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine thậm chí cũng được tăng, ở mức 4,6%.

Tuy nhiên, khoản thiệt hại tài chính 3 triệu USD của Ba Lan có thể “không là gì” đối với nước này. Trong khi đó, nước láng giềng Ukraine có thể sẽ mất đến gần 400 triệu USD. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào Ukraine trong bối cảnh chính quyền Kiev đã lựa chọn theo phương Tây và quay lưng thẳng thừng với nước láng giềng Nga.

Chính quyền Kiev rất quan ngại trước thông tin về việc Mỹ đang tính chuyện giảm mạnh viện trợ cho nước ngoài, trong đó có Ukraine. Tuyên bố của chính phủ Ukraine cho hay, nước này rất lo lắng với thông tin trên và bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự trợ giúp của Mỹ cho đất nước Ukraine, ít nhất bằng mức năm 2016.

Nhà kinh tế học Grzegorz Malinowski cho rằng, “viện trợ kinh tế là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của một nước, và là một công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu chính trị trong bối cảnh địa-kinh tế. Với sự giúp đỡ của các công cụ kinh tế, một nước có thể bảo đảm sự ủng hộ và đồng lòng của các đồng minh của họ đồng thời có thể tạo khoảng cách với các nước mà họ không yêu thích”.

Chính sách trên không chỉ được theo đuổi bởi Mỹ mà cả Trung Quốc, Ả-rập Xê-út và trong một chừng mực nào đó là Nga.

"Tôi cho rằng, khi Mỹ cắt viện trợ tài chính cho các nước khác, Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi một trong những công cụ quan trọng để gây ảnh hưởng với những nước đó. Tôi kinh ngạc khi Mỹ lại dùng đến biện pháp đó. Một số tiền nhất định ở đây không khác gì là một biểu tượng", ông Malinowski phát biểu, ám chỉ đến trường hợp của Ba Lan.

Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt.

Việc Ba Lan và Ukraine đối đầu không khoan nhượng với nước láng giềng Nga được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Ba Lan và Ukraine sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc