Bị Triều Tiên "công phá" lòng kiên nhẫn, các cường quốc sẽ phản công mạnh?

09:07, 29/07/2017
|

(VnMedia) - Triều Tiên hôm qua (28/7) vừa phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA đưa tin.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đã bay 47 phút, 12 giây trước khi rơi xuống đúng khu vực đã định. Tên lửa đã đạt được độ cao 3,724km, KCNA cho biết thêm.

Xét về tầm của tên lửa, ước tính của Triều Tiên phù hợp với các tính toán của Lầu Năm Góc. Mỹ cho hay, tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 1.000km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Trong khi cả Lầu Năm Góc, Hàn Quốc và Triều Tiên đều khẳng định tên lửa được Bình Nhưỡng phóng đi ngày hôm qua là tên lửa đạn đạo “xuyên lục địa” thì Bộ Quốc phòng Nga lại cho rằng, đó chỉ là tên lửa đạn đạo tầm trung.

Bộ Quốc phòng Nga dẫn ra những con số từ hệ thống cảnh báo tên lửa để khẳng định tên lửa vừa được Triều Tiên phóng đi chỉ là tên lửa đạn đạo tầm trung.

Vũ khí của Triều Tiên đã được phóng đi lúc khoảng 5h40 chiều qua theo giờ Moscow từ một khu trường bắn ở Tongchang-dong, Triều Tiên, và hệ thống báo động phòng thủ tên lửa của Nga đã dò theo tên lửa này, quân đội Nga cho hay. Dựa vào những số liệu được cung cấp, Bộ Quốc phòng Nga đánh giá tên lửa của Triều Tiêu thuộc tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Tên lửa không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với Nga bởi nó được bắn đi về hướng khác.

Cả Lầu Năm Góc và Hàn Quốc đều tin rằng, tên lửa được Triều Tiên phóng đi ngày hôm qua là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Giới chức từ cả hai nước trên khẳng định, tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 1.000km và đạt tầm bắn khoảng 3.700km.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nhanh chóng hành động

Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử tên lửa mới nhất, Mỹ và Hàn Quốc cũng nhanh chóng đáp trả bằng một vụ phóng tên lửa tương tự.

Vụ phóng tên lửa là nhằm tái khẳng định năng lực của liên minh Mỹ và Hàn Quốc trong việc có thể “tấn công chính xác vào giới lãnh đạo của kẻ thù”, tuyên bố của Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc cho hay.

Ngoài đòn đáp trả trên, giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc còn thảo luận về “các lựa chọn quân sự” để đáp trả vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Riêng Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ cấp thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức vào hồi tháng Năm với lập trường hòa dịu với nước láng giềng Triều Tiên. Ông này đã không ít lần thể hiện sự phản đối đối với kế hoạch triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, với sự thách thức ngày một lần tới của Bình Nhưỡng, ông Moon rõ ràng đã thay đổi lập trường. Tổng thống Hàn Quốc đang thúc giục Mỹ cung cấp thêm hệ thống THAAD.

Trong khi đó, Nhật Bản đã tổ chức họp khẩn vì vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Sau cuộc họp này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, hành động của Bình Nhưỡng “thể hiện rõ ràng họ là một mối đe dọa thực sự và rất nghiêm trọng. Tokyo kêu gọi các nước khác như Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng cường gây áp lực hơn nữa lên Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Bình Nhưỡng được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ Sáu. Riêng từ đầu năm đến giờ, Triều Tiên đã thực hiện hơn 10 vụ phóng tên lửa, trong đó có nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Sự thách thức cao độ và không ngừng nghỉ của Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc