Máy bay ném bom Trung Quốc ồ ạt xuất kích, Nhật "toát mồ hôi"

07:26, 15/07/2017
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (14/7) đã nói với Nhật Bản rằng nước này hãy “làm quen với việc đó” sau khi xảy ra vụ việc 6 chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc ồ ạt bay đến khu vực Eo biển Miyako nằm giữa hai đảo phía nam của Nhật Bản trong một cuộc tập trận quân sự.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều tối hôm 13/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát đi một tuyên bố miêu tả vụ việc một đội hình gồm 6 chiếc máy bay ném bom Xian H-6 của Trung Quốc trước đó cùng ngày ồ ạt bay về phía lãnh thổ của họ là một hành động “bất thường”. Tuy nhiên, không có máy bay ném bom nào của Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản.

Hải quân và Không quân Trung Quốc trong những tháng gần đây đã tiến hành một loạt cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương khi các lực lượng này được cho là đang tìm cách mài sắc khả năng của họ trong việc hoạt động ngoài khơi xa.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, những máy bay quân sự của họ hoạt động trong không phận ở Eo biển Miyako là “hợp pháp và đúng đắn” và rằng nước này sẽ tiếp tục tiến hành những cuộc diễn tập huấn luyện như vậy theo “yêu cầu của nhiệm vụ”.

"Các bên liên quan không nên làm toáng lên hay thổi phồng vụ việc nên. Sẽ tốt hơn để làm quen với những việc như vậy”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố. Đây được xem là lời cảnh báo ngầm của Bắc Kinh gửi đến Tokyo.

Eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa của Nhật Bản. Eo biển này nằm về phía đông bắc của hòn đảo Đài Loan.

Vụ việc chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt bay tới Eo biển Miyako gây quan ngại sâu sắc cho Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á này đang rơi vào căng thẳng.

Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp một quần đảo ở biển Hoa Đông được Tokyo gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cuộc tranh chấp này là nguồn cơn gây ra những căng thẳng trong quan hệ hai nước kể từ những năm 1970. Nhật Bản kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng tại đây. Bắc Kinh liên tục cho máy bay, tàu thuyền lượn lờ vào khu vực tranh chấp này, khiến Tokyo phải có hành động đối phó, đáp trả. Kết quả là những vụ đối đầu giữa máy bay quân sự và tàu thuyền giữa hai nước tăng lên nhanh chóng theo cấp độ căng thẳng của cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Lần đầu tiên chiến đấu cơ của Nhật Bản bay tới Eo biển Miyako là vào tháng 9 năm ngoái. Tokyo khi đó đã ra lệnh cho một loạt chiến đấu cơ cất cánh khẩn cấp sau khi phát hiện máy bay chiến đấu của Trung Quốc lần đầu tiên bay qua eo biển. Bắc Kinh lúc đó cho biết nước này đã phái hơn 40 chiếc phi cơ chiến đấu đi tham gia vào một cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc