Rộ tin Nga chĩa hàng loạt tên lửa mạnh nhất vào Trung Quốc

07:18, 25/07/2017
|

(VnMedia) - Tạp chí Diplomat đóng tại Nhật Bản vừa có bài bình luận về việc Nga đưa thêm một sư đoàn tên lửa được trang bị hệ thống tên lửa cực mạnh Iskander-M đến đóng ở Quân khu Miền Đông. Trong bài viết này, tờ Diplomat cho rằng, “việc Nga triển khai tên lửa Iskander-M ở khu vực tiếp tục thể hiện sự lo lắng và không yên tâm của Nga về Trung Quốc”. Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã có những phân tích phản pháo lại nhận định nói trên.

Tên lửa Iskander-M của Nga
Tên lửa Iskander-M của Nga

Tờ Diplomat hồi đầu tháng Bảy đưa tin, "vào đầu tháng Sáu năm 2017, báo chí Nga tiết lộ, thêm một sư đoàn tên lửa bộ binh nhận được hệ thống tên lửa di động đáng sợ 9K720 Iskander-M (còn được Nga gọi là hệ thống tên lửa chiến thuật-vận hành, gọi tắt là OTRK”.

"Sư đoàn được nhắc đến là Sư đoàn Tên lửa Số 3 mới được thành lập và đóng tại Quân khu Miền Đông rộng lớn của Nga. Được thành lập hồi tháng 12/2016, sư đoàn này ban đầu chỉ được trang bị tên lửa đạn đạo chiến thuật già nua 9K79-1 Tochka-U. Và nó đã trở thành sự đoàn tên lửa thứ tư của Quân khu Miền Đông được tái trang bị tên lửa Iskander-M như một phần của kế hoạch xóa sổ tên lửa Tochka-U đến năm 2020 mà Bộ Quốc phòng Nga đang thực hiện," tạp chí ở Nhật Bản giải thích. Cũng theo tạp chí này, “ba sư đoàn khác gồm Sư đoàn số 107, 103 và 20 đã lần lượt được trang bị tên lửa Iskander-M vào năm 2013, 2015 và 2016”.

"Kết quả là, Quân khu Miền Đông là quân khu được trang bị nhiều tên lửa Iskander-M hơn bất kỳ quân khu nào. Mỗi quân khu còn lại (Quân khu Miền Trung, Quân khu Miền Nam và Quân khu Miền Tây) hiện đều sở hữu 2 sư đoàn tên lửa Iskander-M. Vậy, vì sao Quân khu Miền Đông lại được trang bị tới tận 4 sư đoàn tên lửa Iskander-M”, tờ Diplomat đặt câu hỏi.

Theo nhận định của tạp chí Diplomat, "trong khi nhiệm vụ của các tên lửa Iskander-M được triển khai ở Quân khu Miền Đông là để răn đe Mỹ và các lực lượng đồng minh ở Baltic cũng như Ba Lan thì những hệ thống vũ khí này dường như chủ yếu phục vụ cho một mục đích khác: đó là tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và thông thường nhằm vào Trung Quốc”.

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006. Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn. Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Trước những nhận định của tờ Diplomat, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã có những phân tích như sau:

“Trước hết, chúng tôi luôn phải tính đến thực tế việc triển khai các lực lượng vũ trang Nga ở những khu vực địa lý nào phải gắn liền với hoàn cảnh lịch sử khi Liên Xô tan rã. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô luôn bố trí các lực lượng Bộ binh và Không quân được trang bị tốt nhất và có năng lực chiến đấu tốt nhất trên các vùng lãnh thổ của đồng minh Đông Âu, như Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Một số đơn vị yếu hơn được bố trí tại các nước cộng hòa phía Tây của Liên Xô”, ông Kashin cho biết.

Ở phần lãnh thổ Châu Âu của Nga, lực lượng được triển khai chủ yếu là các đơn vị dự bị, được trang bị yếu cả về mặt kỹ thuật lẫn nhân lực. Sau sự sụp đổ của liên Xô, các nhóm mạnh nhất trong lực lượng bộ binh đóng tại Đông Siberia và Viễn Đông — đây là những lực lượng sẵn sàng đấu với Trung Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhà phân tích chính trị giải thích.

Do phải đối mặt với tình trạng bị hạn chế về nguồn lực ngân sách để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự như các doanh trại, sân bay, nhà kho và nhiều cơ sở dự trữ khác, Nga vẫn phải sử dụng nhiều trong số các căn cứ còn lại từ thời Xô-viết. Hơn nữa, các lực lượng đóng tại Siberia và Viễn Đông vẫn đang được sử dụng cho các chiến dịch ở phần lãnh thổ Châu Âu của Nga – các lực lượng đó đóng một vai trò lớn trong những cuộc chiến tranh Chechen và thường xuyên được điều động đến khu vực biên giới với Ukraine trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhà phân tích Kashin giải thích.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn đóng phần quan trọng trong tiềm năng của lực lượng Bộ binh Nga. Do thực tế là tuổi thọ tên lửa già cỗi 9K79-1 Tochka-U sắp kết thúc và không thể kéo dài hơn nên tất cả các sư đoàn đó mới được trang bị lại bằng các tổ hợp tên lửa Iskander-M trong tương lai gần nhất nếu không họ sẽ bị giải tán. Các sư đoàn được trang bị lại bằng tên lửa Iskander-M đang thường xuyên được điều động đến những khu vực khác nhau trên khắp đất nước để tham gia các cuộc tập trận.

"Sẽ là kỳ lạ nếu nói rằng các tên lửa của Nga chĩa vào Trung Quốc bởi Trung Quốc vượt xa Nga về số lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Nga không làm gì để thay đổi sự thiếu cân bằng này. Nga cũng không có quyền sản xuất các ten elwuar đạn đạo và hành trình tầm từ 500 đến 5.500km – một thành phần căn bản trong tiềm năng tên lửa của Trung Quốc”, ông Kashin giải thích.

Nhà phân tích chính trị Nga cũng đề cập đến bình luận của tờ Diplomat, trong đó nói rằng Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Quân khu Miền Đông là do những lo ngại của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga. Sự lo ngại đó là “Nga tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm năng”.

Theo ông Kashin, “tất nhiên, Nga đang triển khai các lực lượng có sức mạnh lớn ở Viễn Đông và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở đó. Đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Ví dụ, Thụy Sĩ được bao quanh bởi các nước thành viên EU và NATO đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với EU và NATO nhưng cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn. Thỉnh thoảng, những cuộc tập trận đó có kịch bản rất lạ như sự sụp đổ của nước láng giềng Pháp và sự nổi lên của các lực lượng nổi dậy”, nhà phân tích chính trị Nga cho hay.

Ông cũng phân tích thêm rằng, ý nghĩa thực sự của bất kỳ cuộc tập trận nào đều là để duy trì khả năng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng nhằm đảm bảo họ có thể phản ứng hiệu quả với bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói về các mối đe dọa đối với hay từ bất kỳ quốc gia cụ thể nào, đặc biệt trong bối cảnh khi mà Nga thường xuyên mời các nhà quan sát Trung Quốc đến tham dự các cuộc tập trận ở vùng Viễn Đông như một phần của chương trình tạo niềm tin quân sự giữa hai bên. Hai nước Nga, Trung còn có các kế hoạch lớn về việc tổ chức những cuộc tập trận quân sự chung với nhau, ông Vasily Kashin kết luận.

Kiệt Linh (theo Sputnik)


Ý kiến bạn đọc