Ấn Độ rầm rập điều quân và vũ khí, Trung Quốc nổi trận lôi đình

19:15, 04/08/2017
|

(VnMedia) - Trung Quốc tức giận cáo buộc Ấn Độ đang tăng cường cơ sở hạ tầng và điều động một lực lượng lớn binh sĩ đến khu vực tranh chấp ở Himalayas.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng hiện nay bùng nổ. Lực lượng biên phòng Ấn Độ vẫn xâm chiếm bất hợp pháp lãnh thổ Trung Quốc. Hơn nữa, phía Ấn Độ còn đang xây dựng đường xá, tích trữ các nguồn cung cấp và triển khai một số lượng lớn lực lượng vũ trang đến khu vực biên giới của Ấn Độ”, ông Geng Shuang – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc. “Đây không phải là hành động vì hòa bình”, ông Geng nhấn mạnh.

Vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn đưa ra nhiều lập luận mà theo họ đó là bằng chứng để chứng minh Ấn Độ đang tìm cách làm leo thang căng thẳng ở khu vực tranh chấp Doklam.

“Trung Quốc  đã thông báo cho phía Ấn Độ về hoạt động làm đường thông qua cơ chế cuộc họp trong hai ngày 18/5 và 8/6. Phía Ấn Độ đã không có bất kỳ phản ứng gì”, ông Geng nói.

Thay vì thừa nhận sai lầm, Ấn Độ tiếp tục tạo ra những “cái cớ” để đưa binh lính đến hiện diện “bất hợp pháp” trong khu vực, trong đó có “cái gọi là lý do an ninh, vấn đề ‘khu vực tiếp giáp ba bên’, và theo đề nghị của Bhutan”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng, “những yêu cầu phi lý” của New Delhi đối với Bắc Kinh đã “thể hiện sự thiếu chân thành trong việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Về phía Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao nước này – ông Sushma Swaraj hôm qua khẳng định, New Delhi cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng trên bàn đàm phán. “Chiến tranh không bao giờ là một giải pháp để giải quyết tranh chấp. Con đường sáng suốt nhất là giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao. Chúng tôi không chỉ đàm phán về Doklam mà còn thảo luận về các mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Đây là giải pháp duy nhất”, ông Swaraj nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hôm nay, ông Geng đã phản pháo một cách gay gắt rằng Ấn Độ luôn luôn sẵn sàng nói về hòa bình nhưng “chúng ta không nên chỉ nghe những phát biểu của họ mà còn cần phải chú ý đến hành động của họ”.

“Nếu phía Ấn Độ thực sự yêu chuộng hòa bình, điều họ nên làm là rút ngay lập tức quân ra khỏi khu vực biên giới, về trở lại phía bên Ấn Độ”, ông Geng nói thêm.

Những diễn biến trên cho thấy, cuộc đối đầu hiện nay ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang leo thang từng ngày một cách nguy hiểm và có thể bùng phát thành xung đột bất kỳ lúc nào. Mới đây, Giám đốc của Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc - ông Zhou Bo còn tung ra cảnh báo sắc lạnh với Ấn Độ rằng lực lượng của nước này nên rút quân nếu không muốn chiến tranh với Trung Quốc.

Ấn Độ đưa lực lượng quân sự vào vùng tranh chấp - cao nguyên Doklam từ hôm 18/6 với tuyên bố là nhằm để bảo vệ đồng minh thân thiết Bhutan khỏi nỗ lực của Trung Quốc trong việc thay đổi thế nguyên trạng ở khu vực tranh chấp Doklam ở Himalaya.  New Delhi đã đi bước đi này sau khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam – một khu vực mà Ấn Độ khẳng định là thuộc lãnh thổ của Bhutan. Bhutan đã kêu gọi sự giúp đỡ của Ấn Độ và New Delhi đã ngay lập tức phái quân đến khu vực biên giới. New Delhi lo ngại con đường mà Trung Quốc đang xây dựng ở Cao nguyên Doklam sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ấn Độ bởi con đường đó sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với “Cổ Gà” - một dải đất hẹp chiến lược nối 7 bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của nước này.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc