Nga bị vây trong "trận địa" tăng thiết giáp của đối thủ mạnh nhất

15:44, 12/10/2017
|

(VnMedia) - Theo Bộ Quốc phòng Nga, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các quốc gia Baltic đang đi ngược lại với một thỏa thuận then chốt mà Nga và NATO đã ký trước đây. Thỏa thuận mà Moscow nhắc đến ở đây chính là những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lữ đoàn thiết giáp số hai của Mỹ đã đến Ba Lan và đang được triển khai cùng một loạt phương tiệp bọc thép. Trong khi đó, phương tiện vũ khí của lữ đoàn số ba vẫn ở lại Ba Lan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay.

"Vì vậy, trái ngược với mọi tuyên bố trước đây của NATO và Mỹ về số lượng ‘không đáng kể’ binh sĩ đang được triển khai ngay sát các đường biên giới của Nga, hiện tại không phải là một lữ đoàn đã được triển khai mà cả một sư đoàn cơ giới của Lực lượng Vũ trang Mỹ", ông Konashenkov cáo buộc.

Theo ông Igor Konashenkov, tất cả những phản ứng quá khích ở các quốc gia Baltic và Ba Lan liên quan đến ‘mối đe dọa Nga’ gây ra từ cuộc tập trận Zapad-2017 giữa Nga và Belarus thực chất chỉ là màn che mắt cho chiến dịch nói trên của Lầu Năm Góc.

Cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga và Belarus đã khiến phương Tây lo lắng đến phát sốt không chỉ vì nó diễn ra ở khu vực nhạy cảm, thời điểm nhạy cảm với những bài tập mang tính nhạy cảm mà còn vì những hoài nghi về mục đích của Nga đằng sau đó.

Cuộc tập trận Zapad kéo dài từ ngày 14 đến 20/7 với sự tham gia của gần 12.700 binh sĩ, 70 máy bay và trực thăng cùng 680 vũ khí, phương tiện quân sự. Trong số 680 vũ khí này có 250 xe tăng, gần 200 vũ khí, các hệ thống tên lửa, súng cối và cả 10 tàu chiến. Các giám sát viên và tùy viên quân sự đến từ hơn 60 quốc gia đã được mời đến theo dõi cuộc tập trận.

Điều khiến NATO lo ngại nhất trong cuộc tập trận Zapad 2017 là họ cho rằng, màn phô trương sức mạnh hoành tráng này thực chất chỉ là vỏ bọc để Nga đưa lực lượng quân sự hùng hậu đến triển khai cố định trên lãnh thổ của Belarus nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn hay là một hành động gây hấn nhằm vào các nước láng giềng xung quanh cũng như phương Tây.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Konashenkov nhấn mạnh, sau cuộc tập trận, hàng chục tùy viên quân sự, các giám sát viên và phóng viên nước ngoài đã chứng kiến những đơn vị thuộc Lực lượng Vũ trang Nga lần lượt rút ra khỏi Belarus, trở về căn cứ quê hương. Kết quả là cơn quá khích ở Đông Âu “đã được thay thế bằng sự yên lặng và lãng quên”, ông Konashenkov nói.

Bất chấp thực tế trên, Mỹ lại đem nguyên cả một sư đoàn hùng hậu đến đặt ngay biên giới Nga. Chưa hết, thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Moscow vẫn còn chưa hết tức giận trước thông tin NATO hôm 9/10 đã chính thức thiết lập một lực lượng đa quốc gia mới đóng tại Rumani với mục đích nhằm đối phó với Nga ở sườn phía đông của liên minh quân sự này đồng thời kiểm soát sự hiện diện quân sự của Nga ở Biển Đen sau vụ điện Kremlin sáp nhập Crimea năm 2014.

Lực lượng đa quốc gia sẽ bao gồm binh sĩ đến từ 9 quốc gia NATO và có quân số lên tới 4.000 người. Đội quân này sẽ kết hợp với lực lượng 900 binh sĩ của Mỹ đã được triển khai đến Rumani trước đó. Kế hoạch của NATO còn bao gồm hoạt động tăng cường triển khai các vũ khí không quân và hải quân, giúp lực lượng đa quốc gia sở hữu năng lực mạnh hơn.

Với những động thái quân sự cấp tập như trên của Mỹ và NATO, Nga tất nhiên là không thể không lo ngại nhất là khi loạt bước đi đó được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc