Su-35 của Nga suýt không chiến với F-22 của Mỹ trên chiến trường Syria

09:30, 10/12/2017
|

(VnMedia) - Một máy bay đánh chặn của Nga đã nhận lệnh cất cánh khẩn cấp đi ngăn không cho  một chiếc chiến đấu cơ của Mỹ can thiệp vào chiến dịch chống khủng bố của Nga trên chiến trường Syria, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Moscow cũng cáo buộc Mỹ khiêu khích, gây ra một cuộc chạm trán căng thẳng giữa chiến đấu cơ hai nước trên bầu trời Syria.

Su-35 của Nga
Su-35 của Nga

Một chiến đấu cơ F-22 của Mỹ đã tìm cách ngăn không cho hai chiếc Su-25 của Nga tiến hành một cuộc không kích nhằm vào căn cứ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở phía tây của sông Euphrates hôm 23/11 vừa rồi, Bộ Quốc phòng Nga cho hay. Phát ngôn viên của bộ này – Thiếu tướng Igor Konashenkov miêu tả vụ việc trên như một minh chứng thêm nữa cho thấy máy bay Mỹ thường tìm cách ngăn cản lực lượng Nga thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào IS.

 “Chiếc F-22 đã phóng đi những trái pháo và sử dụng phanh hơi trong khi liên tiếp vờn lượn gần các máy bay của Nga, giống như một cuộc không chiến”, ông Konashenkov cho biết. Vị phát ngôn viên quân sự của Nga cho biết thêm, máy bay của Mỹ chỉ dừng các hoạt động nguy hiểm của nó sau khi một chiếc chiến đấu cơ Su-35S của Nga cất cánh khẩn cấp, gia nhập vào đội của hai chiếc tiêm kích Su-25.

Thiếu tướng Konashenkov cho hay, “vụ chạm trán gần nhất trên không trung giữa máy bay hai nước Nga và Mỹ trong và quanh khu vực Sông Euphrates có liên quan đến các nỗ lực của máy bay Mỹ nhằm chặn chiến dịch tấn công của chiến đấu cơ Nga vào các mục tiêu của khủng bố IS”. Ông Konashenko nhấn mạnh, giới chức Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra lời giải thích nào cho vụ việc xảy ra hôm 23/11 cũng như nhiều vụ chạm trán tương tự khác trên bầu trời Syria.

Tuyên bố trên của Nga được đưa ra nhằm đáp trả cho cáo buộc gần đây của Lầu Năm Góc về “tình trạng gia tăng các hành vi nguy hiểm” của chiến đấu cơ Nga. “Trong cuối tháng 11, chúng tôi chứng kiến ở đâu cũng có từ 6 đến 8 vụ việc xảy ra hàng ngày. Ở đó, các máy bay của Nga và Syria đã bay vào không phận phía đông của Sông Euphrates”, Trung tá Damien Pickart, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung tâm thuộc Lực lượng Không quân Mỹ , hôm qua (9/12) cho CNN biết.

Theo ông Konashenkov, bất kỳ cáo buộc nào của giới chức quân sự Mỹ liên quan đến thực tế về việc “có bất kỳ không phận nào ở Syria thuộc Mỹ” đều là điều “gây khó hiểu”. Ông Konashenkov nhấn mạnh, “Syria là một quốc gia có chủ quyền và là một thành viên của Liên Hợp Quốc. Điều đó có nghĩa là.. không thể có không phận của ‘riêng Mỹ’ ở đây. Không giống như Không quân Nga, liên quân do Mỹ dẫn đầu đang hoạt động trong lãnh thổ Syria mà không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào”, ông Konashenkov nói thêm.

Trung tá Pickart còn nói, “mối quan ngại lớn nhất của Mỹ là chúng tôi có thể bắn hạ một chiếc máy bay của Nga vì những hành động của nó gây ra mối đe dọa cho lực lượng mặt đất của chúng tôi”. Trước đó, vị quan chức Mỹ cũng nói với tờ New York Times rằng “ngày càng khó cho phi công Mỹ để phân biệt xem liệu các phi công Nga có phải đang cố tình thử thách, khiêu khích chúng tôi hay là họ thực sự mắc lỗi”.

Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga. Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất. Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Trong khi đó, F-22 là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này và nó cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ. F-22 được xem là loại máy bay chiến đấu tinh vi nhất thế giới với khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử. Để đảm bảo tàng hình trước radar đối phương, F-22 giấu kín tên lửa và bom vào khoang trong. Nó gia nhập Không lực Mỹ vào tháng 12/2005. Luật Mỹ cấm xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình F-22.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc