Cứu sống bé trai 3 tuổi bị thương nặng ở mặt do chó cắn

19:54, 22/05/2015
|

(VnMedia) - N gày 2/5, bé Nguyễn Thanh Tú (3 tuổi, Hà Nội) được đưa vào khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốc vì mất nhiều máu từ vết thương ở mặt do chó nhà cắn. Tình trạng của bé rất nguy kịch, vết thương vẫn tiếp tục chảy rất nhiều máu dù đã được băng ép.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Theo ghi nhận của gia đình cháu Tú, trong lúc chơi đùa với bé Tú, chú chó của gia đình do bị trêu chọc đã đột nhiên trở nên hung dữ và cắn vào vùng  mặt của bé (đây là chó ta, đã nuôi trong nhà nhiều năm nay, hàng ngày vẫn chơi đùa với cháu). Thấy con đau đớn và chảy nhiều máu, bố mẹ vô cùng hoảng sợ liền đưa bé Tú đến cấp cứu tại trung tâm Y tế gần nhà. Tại đây cháu được xử trí băng ép cầm máu, dùng thuốc giảm đau, truyền dịch rồi chuyển đến khoa Cấp cứu – Chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được xử trí nhanh chóng: truyền máu, giảm đau, kháng sinh và huyết thanh chống uốn ván. Hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt và mắt cho thấy vùng mặt bị nhiều vết cắn sâu, tổn thương nặng nề, bệnh nhi bị rách vành tai và ống tai ngoài. Trầm trọng hơn, cháu bé còn bị rách giác mạc cùng dây chằng mắt và hốc mắt.

Sau khi được khâu cầm máu và xử trí vết thương vùng mặt, trẻ được chuyển tới Khoa Răng hàm mặt để tiếp tục theo dõi và điều trị. Do tổn thương ở mắt rất nặng, hai ngày sau bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương để tiếp tục điều trị. Ngày 19/5, cháu được ra viện.

Đây là một tai nạn rất đáng tiếc do súc vật nuôi cắn gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Ths.BS Ngô Anh Vinh – Khoa Cấp cứu & Chống độc, đ ể phòng tránh nguy cơ súc vật cắn với trẻ, các gia đình cần chú ý:

- Tránh thả rông động vật nuôi, đeo rọ mõm cho chó khi ra đường.

- Không nên để trẻ một mình với vật nuôi, tránh xa các động vật thả rông.

- Không chọc ghẹo vật nuôi, tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc chơi với vật nuôi khi chúng đang ăn.

- Gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi động vật hoang dại hoặc giống chó hay cắn người.

Cách xử trí ban đầu khi bị súc vật cắn:

- Rửa sạch vết thương bằng nước muối và xà phòng, băng vết cắn bằng gạc vô trùng.

- Cầm máu ngay bằng cách ấn mạnh lên vết thương nếu vết thưong chảy máu.

-  Đưa đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.

- Trong trường hợp bị chó, mèo cắn cần được theo dõi con vật trong 10 ngày và tiêm tiêm phòng dại nếu con vật có triệu chứng nghi ngờ dại. Đối với súc vật cắn không thể theo dõi được thì cần tiêm phòng dại ngay.

- Tiêm phòng uốn ván trong vòng 48 giờ nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc