Thấy gì đằng sau sự kiện trái tim London "bị rỉ máu"?

07:20, 24/03/2017
|

(VnMedia) - Vụ tấn công táo tợn ngay bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh ở trung thâm thủ đô London đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới và gây ra sự bàng hoàng, choáng váng. Nhiều người đang tự hỏi làm thế nào một cuộc tấn công như vậy lại có thể xảy ra ở một khu vực kiên cố, được canh phòng cẩn mật như vậy.

Vụ tấn công khủng bố ở London xảy ra chính xác đúng thời điểm đánh dấu tròn một năm xảy ra vụ đánh bom tự sát ở Brussels, Bỉ, khiến 32 người thiệt mạng và làm hàng trăm người khác bị thương. Không có bằng chứng vụ tấn công ở London có liên quan đến vụ tấn công ở Brussels.

Vụ tấn công bắt đầu khi một người đàn ông lái chiếc xe hơi của hắn ta điên cuồng đâm vào khách bộ hành ở cây cầu biểu tượng Westminster. Vụ đâm xe này đã khiến hai người đi đường đã thiệt mạng và rất nhiều người khác bị “thương nghiêm trọng”. Chưa dừng lại ở đó, kẻ tấn công sau đó còn đâm thẳng vào cổng tòa nhà Quốc hội và dùng dao đâm chết một sĩ quan cảnh sát.

Kẻ thủ ác được xác định là Khalid Masood, 52 tuổi. Trong tuyên bố được phát đi, cảnh sát thành phố London cho biết, Masood hiện tại không hề nằm trong diện bị điều tra và cũng không có bất kỳ thông tin tình báo nào trước đó được đưa ra cho thấy tên này có ý định phát động một cuộc tấn công khủng bố. Thủ tướng Theresa May trước đó khẳng định, kẻ tấn công khủng bố được sinh ra ở Anh.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận kẻ tấn công là “binh sĩ” của chúng. Trong khi đó, Thủ tướng May chỉ nói rằng, kẻ tình nghi được tin là bị kích động bởi tư tưởng Hồi giáo. Masood lđã từng bị cơ quan an ninh nội địa MI5 điều tra cách đây vài năm vì liên quan đến cáo buộc cực đoan bạo lực. Điều đáng chú ý ở đây là hắn ta “không thuộc diện bị khoanh vùng. Vụ việc có tính lịch sử. Kẻ tấn công không hề nằm trong tầm ngắm của tình báo hiện tại. Tình báo không biết gì về ý định hay âm mưu của hắn ta”, bà May cho hay.

4 người đã thiệt mạng và khoảng 70 người bị thương trong cuộc tấn công ở thủ đô London. Nạn nhân đến từ 10 quốc gia khác nhau, trong đó có người Tây Ban Nha, Pháp, Rumani, Hàn Quốc, Đức, Ba Lan, Hy Lạp...

Vụ tấn công ở London diễn ra sau một loạt vụ tấn công khủng bố bằng xe ở Châu Âu. Hồi tháng 12 năm ngoái, 12 người cũng đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi kẻ tấn công dùng xe tải lao điên cuồng vào một khu chợ ở Berlin, Đức. Trước đó nữa, ở Nice, Pháp, 86 người đã mất mạng khi một chiếc xe tải lao vào đám đông đang tụ tập xem pháo hoa Ngày Bastille. IS nhận trách nhiệm cho cả hai vụ tấn công ở Pháp và Bỉ.

Vụ tấn công ở London cho thấy, lực lượng khủng bố đang tiến ngày một sâu vào trái tim Châu Âu, gây ra mối đe dọa khôn lường với dân thường. Chủ nghĩa khủng bố với tính chất dã man, ác độc đã trở thành mối đe dọa khủng khiếp nhất đối với loài người.

Sau vụ việc ở London, chắc chắn nước Anh sẽ phải thay đổi chiến lược chống khủng bố của họ.

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố

 

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố

 

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
Người dân London thể hiện sự đoàn kết trước chủ nghĩa khủng bố

 

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
Vụ tấn công đã khiến 4 người thiệt mạng và khoảng 70 người bị thương

 

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
An ninh được tăng cường ở thủ đô London sau vụ tấn công

 

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
Thủ tướng Anh phát biểu sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố

 

Người dân London thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố
Người dân Anh thể hiện sự đoàn kết, kiên cường và thách thức trước chủ nghĩa khủng bố

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc