Nhờ mạng xã hội tìm con - càng nguy hiểm cho trẻ

20:21, 12/07/2017
|

Khi biết trẻ mất tích, nhiều phụ huynh nhờ cậy vào mạng xã hội để tìm kiếm con, nhiều trường hợp thì việc làm này đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên theo khuyến cáo, trong trường hợp trẻ bị bắt cóc thực sự sẽ càng khiến trẻ nguy hiểm hơn. 

Tìm kiếm theo kiểu thông báo

Khi trẻ em mất tích, việc gia đình tìm đến cơ quan công an là điều đương nhiên nhưng có thể thấy, hiện nay ở Việt Nam, chúng ta chưa có một lực lượng chuyên trách về vấn đề này. Ở Nhật Bản, khi nhận được tin báo mất tích, ngay lập tức một ủy ban tìm kiếm cứu nạn được triển khai bao gồm hàng nghìn người với chủ công là quân đội. Còn ở Việt Nam, phạm vi tìm kiếm khi phát hiện mất tích chỉ gói gọn ở địa phương nơi trẻ mất tích.

Theo luật sư Trần Thu Nam, Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự - Đoàn luật sư TP Hà Nội, trẻ mất tích là một tình trạng khẩn cấp vì khi bị đi lạc hay tự rời đi hoặc bị bắt cóc, tính mạng và sự an toàn các em chỉ tính bằng giây. Song những cuộc điều tra tìm kiếm theo kiểu thông báo như ở Việt Nam hiện nay khó mà có kết quả.

LS Thu Nam cũng cho biết, việc mất tích có thể có rất nhiều tình huống, có thể là do bị bắt cóc, đi lạc nhưng cũng có thể chỉ đơn giản là do trẻ mải chơi, hoặc giận dỗi mà không về nhà cho nên khi nhậnđược tin báo mất tích từ phía người dân, cơ quan chức năng sẽ chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận và xác minh thông tin, và tiến hành tìm kiếm quanh địa bàn được báo mất tích.

“Chỉ khi xác định được vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan chức năng mới tiến hành khởi tố, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và mở rộng địa bàn tìm kiếm thì vụ việc mới có thể nhanh chóng được giải quyết”, LS Thu Nam chia sẻ. Trường hợp của bé trai mất tích ở Lâm Đồng, sau gần 2 năm tìm kiếm, đến nay bé vẫn biệt vô âm tín và giờ đây chỉ có người cha đi tìm con trong nỗ lực vô vọng. Nói về trường hợp này, LS Thu Nam nêu quan điểm "nên chăng các cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án để có những biện pháp tìm kiếm hiệu quả hơn". 

Đối với các quốc gia phương Tây, họ có những tổ chức chuyên chăm sóc bảo vệ trẻ em, họ có những giám sát rất chi tiết về từng đứa trẻ. Nên khi nhận được tin trẻ bị mất tích từ phụ huynh họ sẽ ngay lập tức gửi các thông tin chi tiết nhất về trẻ đó đến những cơ quan chức năng và phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát để tìm ra đứa trẻ.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Ở Việt Nam, có rất nhiều tổ chức vì trẻ em nhưng họ hoạt động không hiệu quả, thậm chí, tôi tin chắc rất nhiều phụ huynh và trẻ em còn không biết đến sự tồn tại của các tổ chức này, chứ chưa nói đến việc tìm đến sự hỗ trợ của tổ chức”. TS Thu Hương cũng cho rằng nếu có một tổ chức chuyên về trẻ em luôn theo sát các lực lượng chức năng  trong quá trình tìm kiếm trẻ mất tích thì hiệu quả sẽ nâng lên rất nhiều.

Trông chờ tìm lại con qua mạng xã hội

Khi biết trẻ mất tích, nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng và tìm đủ mọi cách để tìm kiếm con, trong đó, nhiều phụ huynh chọn giải pháp nhờ cậy vào mạng xã hội với mong muốn có thể lan tỏa thông tin rộng rãi cho mọi người để dễ dàng tìm kiếm con cái hơn. Và trong nhiều trường hợp thì việc làm này đã mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên theo TS Thu Hương, việc chia sẻ thông tin này chưa hoàn toàn có lợi trong trường hợp trẻ bị bắt cóc thực sự. “Khi kẻ bắt cóc trẻ đọc được quá nhiều thông tin về vụ việc trên mạng xã hội sẽ rất dễ đến tâm lý lo sợ và làm càn mà dẫn đến nguy hiểm cho đứa trẻ”.

Ở Trung Quốc, một đất nước mà tình trạng buôn bán trẻ em khó kiểm soát, năm 2016, công ty Alibaba Group Holding Ltd đã cho ra đời ứng dụng mang tên Tuanyuan (có nghĩa “Đoàn tụ”) cho phép các cảnh sát chia sẻ thông tin và làm việc cùng nhau.

Theo đó, người dùng gần với khu vực mà một đứa trẻ bị mất tích nhận được thông báo, bao gồm hình ảnh và mô tả. Thông báo được gửi đến người dùng ở xa dần vị trí mất tích nếu đứa trẻ vẫn chưa được tìm thấy. Ứng dụng này cũng được liên kết với các ứng dụng khác như ứng dụng mua sắm trực tuyến Taobao, công cụ tìm kiếm Baidu và ứng dụng nhắn tin QQ để mở rộng phạm vi tiếp cận. Ứng dụng này đã giúp cảnh sát Trung Quốc tìm được 611 trẻ mất tích trong năm 2016.

Hay như ở Mỹ, từ năm 1996 sau vụ bắt cóc và giết bé gái Amber Hagerman 9 tuổi tại bang Texas, quốc gia này đã triển khai hệ thống AMBER Alert báo động các vụ bắt cóc trẻ em nghiêm trọng ở Mỹ.

Theo Lao Động Online


Ý kiến bạn đọc