Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 số hóa xong toàn bộ dữ liệu

13:23, 09/09/2017
|
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, trong thời gian tới, Sở TT&TT cần tập trung đẩy mạnh mở rộng số hóa dữ liệu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ số hóa xong toàn bộ dữ liệu đã có.
 

 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục khai thác hiệu quả CSDL dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục khai thác hiệu quả CSDL dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.

 

 

Chiều qua, ngày 8/9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước Thành phố 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017.

Tại cuộc họp, về nhiệm vụ số hóa dữ liệu, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, theo báo cáo của UBND quận Long Biên-đơn vị triển khai thí điểm, hiện toàn bộ dữ liệu từ Sổ Hộ tịch năm 2015 của quận này đã được số hóa và đồng bộ vào hệ thống eSAMS của Thành phố với tổng số 64 quyển sổ Khai sinh và Đăng ký kết hôn (gồm 8.355 trường hợp với 282.113 trường dữ liệu). Kết quả số hóa đã nâng cao hiệu quả công tác lưu trữ, khai thác các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại UBND quận Long Biên và các phường trực thuộc.

Trong tháng 7/2017, Sở Tư pháp đã hoàn thành khảo sát đánh giá tình hình lưu trữ, thống kê cơ bản về số lượng hồ sơ hộ tịch, các trường hợp đăng ký hộ tịch tại 29 quận/huyện/ thị xã còn lại để xác định quy mô, khối lượng công việc số hóa cần triển khai của toàn Thành phố cũng như tại từng đơn vị.

Sở KH&ĐT cũng đang số hóa toàn bộ dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tính đến hết tháng 8/2017, 90% dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT đã được số hóa và thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện phần còn lại. Hiện Công ty Nhật Cường đang phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh-Bộ KH&ĐT để tích hợp, đồng bộ dữ liệu đã số hóa lên hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về đăng ký kinh doanh.

Theo bà Tú, thực hiện nhiệm vụ khai thác CSDL dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của Thành phố, thời gian qua, việc phối hợp và chia sẻ CSDL dân cư với các sở, ban, ngành của Thành phố đã được triển khai tích cực.

Công an TP.Hà Nội đã nghiên cứu việc kết nối, khai thác CSDL dân cư để chia sẻ thông tin với BHXH Thành phố, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, Cục Thuế, Sở KH&ĐT để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế... trên địa bàn Thành phố.

Hiện Sở TT&TT đang phối hợp với Công an Thành phố, Sở Tài chính báo cáo UBND Thành phố việc khai thác CSDL dân cư sang một số lĩnh vực để phục vụ người dân và công tác quản lý: các điểm bán SIM, thẻ điện thoại của các doanh nghiệp viễn thông, kiểm tra xe chính chủ, đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin của ngân hàng và văn phòng công chứng.

Sở LĐTB&XH cũng đang phối hợp với Công ty Nhật Cường đề xuất giải pháp kết nối CSDL dân cư để triển khai Quyết định 708 ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến 2020, định hướng phát triển đến 2030.

Về cung cấp DVCTT mức 3, 4, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ 81 dịch vụ công trực tuyến tới 168 phường, 12 quận và 10 Sở, nâng tổng số DVCTT mức 3, 4 lên 391 dịch vụ, đạt gần 20,4% số thủ tục hành chính của Thành phố. Trước đó, trong các tháng 7, 8/2017, Sở TT&TT đã hoàn thành triển khai mở rộng 16 DVCTT (gồm 10 dịch vụ cấp huyện thuộc lĩnh vực Tư pháp, TT&TT, Quản lý đô thị và 6 dịch vụ cấp xã thuộc lĩnh vực Tư pháp) tới 18 huyện, thị xã và 416 xã, thị trấn còn lại.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống thông tin trong các lĩnh vực như: Quản lý GD&ĐT, Y tế, TN&MT, Quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo… cũng đã được hoàn thành, đạt được quy mô lớn và có hiệu quả với số người tham gia hệ thống nhiều, số lượng người truy cập đông và số lượng hồ sơ được xử lý lớn.

Theo kế hoạch, các hệ thống thông tin về Quản lý đất đai; Quản lý đô thị; Giao thông vận tải; Văn hóa, thể thao, du lịch; Quản lý đầu tư, tài chính sẽ được các đơn vị chủ trì tiếp tục tổ chức triển khai trong 3 tháng cuối 2017.

Thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử TP. Hà Nội cho hay, phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội đang bám sát theo lộ trình của Chính phủ; đồng thời đúng với lộ trình hướng tới xây dựng mạng lưới dùng chung cho toàn Thành phố, xây dựng một CSDL lớn trên địa bàn.

Cũng theo đánh giá của ông Chung, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo vào cuộc quyết liệt để đạt được kết quả chỉ tiêu DVCTT mức 3, 4 toàn Thành phố đạt hơn 20%.

Ông Chung yêu cầu Sở TT&TT phối hợp với các Sở, ngành, quận/huyện/thị xã tập trung rà soát đẩy nhanh tiến độ cung cấp có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để đảm bảo đến cuối năm nay 55% số thủ tục hành chính của Thành phố được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.

Lãnh đạo UBND Thành phố cũng chỉ đạo Sở TT&TT rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ đã triển khai, dự kiến dữ liệu cần lưu trữ để đến tháng 12/2018 trình Thành phố về đề xuất máy chủ đáp ứng đủ nhu cầu.

Sở TT&TT cũng được yêu cầu tiếp tục xây dựng, cập nhật và khai thác, chia sẻ các CSDL cốt lõi; trong đó tập trung mở rộng số hóa dữ liệu, trước mắt số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng và cập nhật các CSDL cốt lõi, quan trọng để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Theo Infonet


Ý kiến bạn đọc