Nếu đa số giao dịch được điện tử hoá, Hà Nội có thể thu được 600 triệu USD/năm

20:06, 17/11/2017
|

Nghiên cứu do Visa đưa ra cho thấy Hà Nội có thể kiếm được hơn nửa tỷ USD mỗi năm nếu hầu hết phương thức thanh toán thực hiện bằng điện tử.

Công ty Visa vừa công bố kết quả từ cuộc nghiên cứu độc lập của Roubini ThoughtLab do Visa ủy thác thực hiện nhằm kiểm chứng những tác động kinh tế của việc gia tăng sử dụng phương thức thanh toán điện tử tại các thành phố lớn trên thế giới.

Tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu cho thấy thành phố có thể thu được thêm 600 triệu USD mỗi năm nếu đa số giao dịch được điện tử hóa, thay thế cho tiền mặt. Cùng với đó, số lượng việc làm có thể gia tăng 3,5%, GDP của thành phố dự kiến tăng 36,4 điểm cơ bản.

Ngoài ra, nghiên cứu ước tính việc tăng cường ứng dụng thanh toán điện tử, như thanh toán qua thẻ và thanh toán di động, có thể mang lại lợi ích ròng 470 tỷ USD mỗi năm cho 100 thành phố thuộc diện khảo sát - tương đương với 3% GDP bình quân của các thành phố này.

Nghiên cứu này giả thiết rằng toàn bộ người dân chuyển sang dùng thanh toán kỹ thuật số giống với 10% cư dân thành phố đó ở thời điểm hiện tại.

Bằng việc giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt, nghiên cứu ước tính lợi ích trong dài hạn và trung hạn cho ba nhóm chính là người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ.

Cụ thể, người tiêu dùng tại 100 thành phố có thể thu được lợi ích trực tiếp ước tính giá trị gần 28 tỷ USD mỗi năm, nhờ tiết kiệm được 3,2 tỷ giờ thực hiện giao dịch tại ngân hàng, điểm bán lẻ và chuyển tiền; đồng thời giảm hành vi phạm tội liên quan đến tiền mặt.

Doanh nghiệp tại 100 thành phố có thể thu được lợi ích trực tiếp ước tính giá trị hơn 312 tỷ USD mỗi năm, nhờ tiết kiệm hơn 3,1 tỷ giờ trong khâu xử lý các khoản chi và thu, cộng thêm doanh thu tăng từ việc mở rộng danh mục khách hàng online và tại cửa hàng. Nghiên cứu cũng cho thấy khi dùng tiền mặt và séc, doanh nghiệp phải tốn đến 7,1 cent cho mỗi USD thu được, trong khi sử dụng phương thức kỹ thuật số chỉ mất 5 cent.

Ngoài ra, hính phủ của 100 thành phố có thể thu được lợi ích trực tiếp ước tính gần 130 tỷ USD mỗi năm, nhờ tăng doanh thu từ thuế, tặng trưởng kinh tế, và tiết kiệm chi phí từ hiệu quả hành chính và chi phí tố tụng hình sự do các hành vi phạm pháp liên quan đến tiền mặt giảm.

“Tuy xã hội Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt là chủ yếu, chúng tôi nhận thấy tất cả các đối tượng của nền kinh tế, từ người tiêu dùng, nhà bán lẻ đến chính phủ đều có thái độ tích cực đối với thanh toán điện tử hơn bao giờ hết”, ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.

Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi đa số giao dịch hiện nay thành giao dịch điện tử trước năm 2020, với mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng lượng giao dịch ở mức 10%.

Theo ICTnews


Ý kiến bạn đọc