- 09 giải pháp sáng tạo hàng đầu để tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật (PwDs) đã được trình bày tại Vòng Chung kết SDG Challenge 2019 (Thử thách SDG Việt Nam) - cuộc thi đổi mới đầu tiên để tạo điều kiện cho Cộng đồng Người khuyết tật.
Cuộc thi được phát động vào tháng 7 năm 2019, là một phần của các hoạt động IMPACT TECHFEST với mục đích cải thiện cuộc sống cho 6,2 triệu người khuyết tật Việt Nam. Cuộc thi được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), trực thuộc Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC - MOST). Với vòng chung kết diễn ra vào trước ngày Doanh nhân Việt Nam, cuộc thi kì vọng mang đến sự thúc đẩy một phương thức kinh doanh mới: Doanh nghiệp với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
“Hành trình khởi nghiệp không dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp xã hội đi từ những bước đầu tiên.” Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC - MOST) cho biết. “Những giải pháp cho người khuyết tật hay những doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ chắc chắn cũng gặp nhiều thách thức. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không dám tiến lên từ khó khăn thì chúng ta không có gì cả. Cùng với sự chung tay từ cộng đồng, chúng ta có thể thay đổi được, mang những sáng kiến tạo tác động trở thành hiện thực, thực sự mang đến những giá trị bền vững cho xã hội”.
Cuộc thi đã tạo cơ hội cho các doanh nhân và Người khuyết tật cùng nhau phát triển các giải pháp đổi mới và đồng thời nâng cao nhận thức về những thách thức mà Người khuyết tật phải đối mặt. Chín đội xuất sắc nhất đã được chọn từ hơn 30 đội thi tiềm năng. Các đội thi đã mang đến những ý tưởng kinh doanh rất sáng tạo để khắc phục các vấn đề về khả năng tiếp cận mà Người khuyết tật phải đối mặt - từ việc sử dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ trẻ tự kỷ và gia đình của họ; đầu kéo xe lăn nhỏ gọn sử dụng pin để di chuyển đường dài cho đến kính công nghệ thông minh giúp người dùng khuyết tật vận động điều khiển các thiết bị điện tử thông qua chuyển động trên khuôn mặt.
Các đội đã trải qua một chương trình ươm tạo chuyên sâu, bao gồm đào tạo phát triển kinh doanh, gặp gỡ các chuyên gia và nhà tài trợ, hỗ trợ trực tuyến từ các chuyên gia và thực hành thuyết trình. Tại vòng chung kết, chín đội đã trình bày các dự án của họ trước các giám khảo uy tín.
Top 3 (Etic, Goodluck và VunArt) của cuộc thi sẽ nhận được tổng cộng 16.000 USD dưới dạng đầu từ phi cổ phần từ UNDP Việt Nam. Top 2 (VunArt và Goodluck) sẽ nhận được 01 chuyến đi tham dự TECHFEST Việt Nam tại Hàn Quốc để làm việc với các tổ chức hỗ trợ và các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, cũng như kết nối với các nhà đầu tư và chuyên gia để phát triển tiềm năng hợp tác. Chương trình ươm tạo chuyên sâu này dành cho 01 đội thắng cuộc (VunArt) sẽ do Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tài trợ (NSSC). Bên cạnh đó còn 01 giải thưởng dành cho đội tiềm năng nhất (Etic) do KisStartup trao tặng
Danh sách các đội tham gia chung kết
1. Eco4P
Eco4P là một đội được lập nên bởi các bạn sinh viên thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội. Với mục tiêu phát triển một cộng đồng hỗ trợ cho các gia đình có trẻ tự kỷ, Eco4P cung cấp giải pháp được kết hợp cả phần cứng và phần mềm. Lộ trình phát triển giải pháp được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là phát triển công cụ định vị trẻ kết hợp với phần mềm nhật ký cho cha mẹ, từ đó kết nối với chuyên gia để đưa ra lời khuyên dựa trên nhật ký cung cấp. Giai đoạn thứ hai dựa trên dữ liệu được thu thập trong giai đoạn 1, nhóm sẽ phân tích và áp dụng AI trong việc nhận diện theo dõi hành vi cũng như phán đoán nhu cầu của trẻ dựa trên một chú robot nhỏ có gắn camera. Nhu cầu của trẻ sẽ được gửi đến bố mẹ qua ứng dụng.
2. Enablecode
Colin Blackwell là một chuyên gia về nhân lực. Trong thời gian làm chủ tịch phòng nhân lực của ngân hàng thế giới Worldbank, Colin đã được tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề nhân lực người khuyết tật tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra nguồn cảm hứng và động lực cho Colin lập ra Enablecode. Với mục tiêu chứng minh năng lực của người khuyết tật tại Việt Nam có thể tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng phần mềm tiêu chuẩn quốc tế, Enablecode kết hợp với những trung tâm, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người khuyết tật cung cấp những khóa đào tạo kỹ năng về kinh tế và công nghệ. Sau những khóa đào tạo này, người khuyết tật có thể chọn làm việc bên ngoài hoặc tiếp tục phát triển sự nghiệp tại Enablecode.
3. Etic
Anh Tích là một kỹ sư cơ khí. Anh sinh ra là một người lành lặn nhưng tai nạn giao thông đã cướp đi cơ hội tự do đi lại của anh. Trải qua sự bất tiện trong di chuyển, đặc biệt là di chuyển đường dài, anh Tích đã tự tìm hiểu và ứng dụng những kiến thức của mình để sản xuất ra đầu kéo xe lăn hiệu Etic. Etic sản xuất và phân phối đầu kéo riêng biệt, có thể dễ dàng tháo lắp với xe lăn. Đầu kéo gọn nhẹ, có trang bị pin dự phòng để di chuyển đường dài.
4. Goodluck
Goodluck là một đội có xuất phát từ cuộc thi sáng tạo thuộc mảng csr của doanh nghiệp công nghệ MTI. Với mục tiêu xây dựng công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính trong đời sống thường ngày, Goodluck đã phát triển thiết bị cảm biến nhận diện ngôn ngữ ký hiệu và hỗ trợ giao tiếp. Hiện tại nhóm đã chuyển được ngôn ngữ ký hiệu sang dạng văn bản. Trong quá trình tiếp theo kì vọng xây dựng dịch ngôn ngữ hai chiều.
5. Incovi
Với mong muốn cải thiện cái nhìn về người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, Incovi mang đến cuộc thi Mô hình sản phẩm giáo dục kết hợp trải nghiệm thực tế. Thông qua những trải nghiệm thay thế lớp học kỹ năng, mô hình này có thể giúp người bình thường được truyền động lực sống, thay đổi nhận thức và cách nhìn về người khuyết tật. Hiện tại, Incovi đã tổ chức được khoảng 12 chương trình dành cho các học sinh từ cấp 1 đến cấp đại học, cho các lưu xá, hướng đạo sinh,.. Tại đây, người sáng mắt sau khi trải nghiệm cái nhìn về người khiếm thị sẽ hiểu biết hơn về cộng đồng yếu thế để góp sức hỗ trợ phần nào, cũng như người khiếm thị từ việc phát triển tư duy sẽ kiếm được thu nhập với vai trò là người tổ chức sự kiện, thiết kế mô hình trải nghiệm.
6. Lớp học cánh diều
Xuất phát là một trong những cô giáo được đào tạo về giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ, chị Ngọc Anh hiểu rõ những khó khăn và vất vả mà các em cũng như gia đình phải đối mặt trong cuộc sống. Đồng cảm với hoàn cảnh của các em, chị và một số đồng nghiệp đã chung tay xây dựng một mô hình hỗ trợ, hướng nghiệp và kết nối việc làm cho người khuyết tật trí tuệ mang tên “lớp học cánh diều”. Mục đích của lớp học cánh diều chính là xây dựng một mạng lưới kết nối và giới thiệu việc làm cho các bạn khuyết tật trí tuệ. Để có thể thực hiện được điều này, chị đã vạch ra 2 con đường cũng chính là 2 hoạt động chính cho lớp học cánh diều. Thứ nhất, cung cấp các tư vấn can thiệp, mở các lớp kỹ năng hoạt động cho trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Đây là tiền đề để các bạn nâng cao chính năng lực và giá trị của bản thân, đồng thời mở rộng mạng lưới, tiếp cận nhu cầu của nhóm đối tượng…
7. Multi
Trong thời gian tình nguyện tại trung tâm hỗ trợ người khuyết tật tại Đà Nẵng, anh Hoàng Anh đã được biết đến những khó khăn của người khuyết tật trong những hoạt động hàng ngày. Một trong những khó khăn đó là việc sử dụng máy tính đối với những người khuyết tật chi trên. Điều này là một rào cản lớn cho người khuyết tật chi trên tiếp cận với xã hội công nghệ hiện nay. Với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật mở rộng cơ hội, kiến thức thông qua việc sử dụng máy tính, Multi đã phát triển một sản phẩm mang tên Multiglass. Đây là một thiết bị kính cảm ứng có vai trò như một chuột không giây giúp người dùng có thể điều khiển và sử dụng thông qua cử động khuôn mặt. Hiện công ty đã bán được 10000 sản phẩm. Sản phẩm được phân phối trên kênh B2B và quảng bá theo hình thức truyền miệng.
8. SC Deaf
Anh Thái Anh là chủ tịch của hội người Điếc Hà Nội. Là một phần của cộng đồng, anh biết vấn đề lớn nhất của người điếc là rào cản giao tiếp. Chính vì rào cản này, nhiều người Điếc không thể biểu đạt được nguyện vọng mong muốn, không tiếp thu được thông tin kiến thức để trưởng thành. Vì vậy anh luôn nung nấu tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cộng đồng. Trong một chuyến đi hội trại cho người điếc tại Hàn Quốc, anh đã được tiếp cận với dịch vụ dịch ngôn ngữ ký hiệu online. Nhận thấy dịch vụ dịch ngôn ngữ ký hiệu chưa được triển khai tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á, anh đã lập ra SC Deaf với mục tiêu nâng cao nhận thức để người điếc không còn rào cản với người bình thường. SC Deaf cung cấp 2 dịch vụ. Dịch vụ thứ nhất là phiên dịch trực tuyến giúp người điếc muốn giao tiếp với người bình thường một cách dễ dàng hơn thông qua việc sử dụng ứng dụng. Người điếc có thể truy cập ứng dụng và kết nối được cả phiên dịch viên và người nghe, từ đó phiên dịch viên sẽ trực tiếp dịch lại cho người nghe với tốc độ nhanh chóng. Vì số người biết ngôn ngữ ký hiệu rất hạn chế, SC Deaf cung cấp dịch vụ thứ hai là xây dựng giáo trình dạy học thông qua kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và tiếp xúc với người khuyết tật và cung cấp các khóa đào tạo.
9. Vụn Art
Anh Cường là một người khuyết tật chân dạng nhẹ. Trải qua những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, anh nhận thấy sản phẩm của người khuyết tật vẫn gắn với những hình ảnh cố hữu như chất lượng thấp, mua vì ủng hộ. Với mục tiêu tập hợp đầu mối hỗ trợ người khuyết tật phát triển nghề và sản phẩm cạnh tranh cho người khuyết tật, anh đã thành lập Vụn Art. Vụn Art cung cấp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (túi, tranh ghép vải,..) cũng như dịch vụ trải nghiệm làm thủ công cho khách du lịch và học sinh. Tại Vụn Art, người lao động hầu hết đều là người khuyết tật ở các dạng khác nhau. Mỗi dạng khuyết tật sẽ làm việc tương ứng với với năng lực và được trả công tương ứng cùng với đóng bảo hiểm theo quy định nhà nước. Mô hình của anh đã có những thành công nhất định và nhận được lời đề nghị của chính phủ Lào mở rộng mô hình tại nước họ. Đối tác của Vụn Art rất đa dạng, từ các nhóm du khách, học sinh nhỏ cho đến các tổ chức lớn như đại sứ quán Mỹ, Đức…
Phạm Lê