(VnMedia) – Tính tới cuối năm 2018, khoảng một nửa dân số thế giới đã có thể truy cập mạng internet.
Mặc dù đây là mốc hết sức tích cực, nhưng nó cũng đồng nghĩa rằng hàng tỷ người vẫn chưa thể tiếp cận mạng toàn cầu với vô vàn tri thức hiện đại này, tạo ra sự bất bình đẳng trong phát triển cũng như trở thành rào cản lớn đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - vốn cần tới mạng internet trong vai trò “xương sống”.
Thực tế, từ năm 2017, Microsoft đã triển khai Airband Initiative, sáng kiến nhằm đưa kết nối internet tới nhiều người dân hơn bao giờ hết trên toàn lãnh thổ Mỹ. Trong thời gian tới, sáng kiến này sẽ được đẩy mạnh trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Tới năm 2022, Microsoft dự kiến sẽ “phổ cập” kết nối tới thêm khoảng 40 triệu người trên toàn thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên, hãng phần mềm Mỹ sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau, bao gồm cả việc hợp tác với các nhà mạng và cộng đồng địa phương để thiết lập hệ thống truy cập giá rẻ và đủ tin cậy; cũng như kết hợp với các cơ quan chức năng tại mỗi quốc gia nhằm tận dụng các băng tần trống để phát sóng phủ internet trên diện rộng.
Những nỗ lực này sẽ khởi đầu tại Mỹ Latin và châu Phi, trước khi tới với châu Á. Tuy nhienem Trưởng Bộ phận kĩ thuật và trách nhiệm doanh nghiệp Shelley McKinley của Microsoft cũng nhận định, việc phủ sóng internet ở quy mô lớn là không hề dễ dàng, bởi một công nghệ phát song không dây hay một mô hình kinh doanh có thể phù hợp để kết nối người với người ở khu vực này, nhưng sẽ không phù hợp ở những nơi khác, do đó cần có sự kết hợp nhiều giải pháp đa dạng và sự hợp tác giữa các đơn vị khác nhau, nhằm “trám” những lỗ hổng kết nối.
Hiện nay, Microsoft cũng đang tích cực triển khai các hệ thống truy cập internet ngay trên “sân nhà”, trong đó có việc đem kết nối internet tốc độ cao tới hơn 9 triệu người tại các bang Iowa, Illinois, Kansas, Nebraska, Oklahoma và Texas của Mỹ.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh