- Thảo luận về trọng dụng người tài, khi nghe đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị "không nên nhắc lại câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 70 năm vì thời đại đã thay đổi nhiều lắm rồi", Giám đốc Viện tim Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết ông "rất sốc" và đề nghị quốc hội xem xét lại phát biểu này.
Sáng nay (24/10), Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Vấn đề thu hút, đãi ngộ người tài, trong đó có việc định nghĩa thế nào là người tài được nhiều đại biểu nêu ý kiến, tranh luận.
Dự thảo Luật quy định, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Đóng góp ý kiến về điều khoản này, đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra “phải nghiêm túc nghiên cứu kỹ quan điểm của Bác Hồ về những người có đức có tài là những cán bộ, là công bộc của dân, là phải “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
“Chúng ta phải cụ thể hoá vấn đề này thì chúng ta sẽ có định lượng, còn quy định thế này rất chung chung. Khi đọc toàn bộ điều ấy lên, tôi thấy đang mở đường cho những người gian lận thi cử để được đánh giá là những người có tài năng. Đây là một việc hết sức nguy hiểm mà chúng ta để sơ hở” - bà Khánh nói và đề nghị phải thể chế hoá câu nói về tư tưởng của Bác về vấn đề cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.
Cũng dẫn việc Bác Hồ trọng dụng người tài, đó là là người có đóng góp to lớn, hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đưa ra phương án định nghĩa, “người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận, có đóng góp lớn, hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân". "Chỉ có lo cho nước, cho dân một cách có hiệu quả thì đó là người tài và vượt trội” - ĐB Việt nhấn mạnh.
Nhiều ĐB khác khi phát biểu cũng đưa các cách thu nhận người tài của Bác Hồ để làm “kim chỉ nam” cho vấn đề này.
Tuy nhiên, không đồng tình với các ý kiến đó, ĐB Dương Trung Quốc cho biết, theo quan niệm của ông, chữ “nhân tài” vốn là từ Hán Việt, nên hiểu là năng lực của mỗi con người. “Các cụ nhà ta có câu ngạn ngữ rất đơn giản là “dụng nhân như dụng mộc”, tức là dùng đúng người, đúng chỗ. Tôi cho tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, tại sao dùng người này vào việc này, người kia vào việc kia, đấy là cách nhận thức ra, tôi nghĩ bộ máy công chức rất cần những yếu tố đó” - ông Quốc nói.
Vị ĐB tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa nhân tài là xuất chúng, là kiệt xuất, là thiên tài, thì không nằm trong phạm vi của luật này.
![]() |
“Chúng ta chỉ bàn chuyện công chức, những công chức có năng lực, một công chức khó có thể phát hiện ra một cái gì kiệt xuất, vì thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định, còn anh đánh máy giỏi không có lỗi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng. Những chuyện đó nằm trong tất cả những cái chúng ta điều chỉnh” - ông Quốc nêu quan điểm.
“Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên nhắc lại câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 70 năm, thời đại đã thay đổi nhiều lắm rồi, có những giá trị tư tưởng nó vẫn còn chưa phải nhìn nhận khác. Quan trọng nhất chúng ta đánh giá con người phải thể hiện đi cùng với đó là chính sách đãi ngộ. Thời thời kỳ Bác Hồ là thời kỳ có giá trị lớn hơn cả tiền bạc, đó là lòng yêu nước, cho nên phần lớn những người Bác dùng là những người được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả những giá trị vật chất để họ thực hiện mục tiêu yêu nước của mình.
Bây giờ chúng ta nói chỉ có công chức yêu nước? Còn những người tài năng làm ở những nơi khác không yêu nước à? Chúng ta phải có hệ thống giá trị để thu hút được những người tài năng vào trong bộ máy nhà nước, bộ máy công chức của ta, chứ đừng tạo ra một cái gì riêng. Câu chuyện chúng ta đang bàn đến nhân tài, những người kiệt xuất ta để bàn ở một chính sách khác. Việc cầu hiền là nhà nước nào, chế độ nào, thời đại nào cũng quan tâm cả” - ĐB Dương Trung Quốc nói và nhấn mạnh: “Chúng ta nên dừng lại mức độ đó thôi, đừng quá coi tài năng trong công chức làm cái gì vượt khỏi tầm của luật chúng ta đang bàn.”
Đồng tình với ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Qua các phát biểu từ nhiều chiều của các đại biểu khác, tôi cảm thấy chột dạ nghĩ rằng chúng ta có cần thiết phải có một điều khoản ghi vào luật này rằng như thế nào là nhân tài hay không? Như đại biểu Dương Trung Quốc vừa nói, tôi nghĩ chúng ta không thể có được một định nghĩa nào hoàn hảo cho khái niệm nhân tài trong luật này. Cho nên, tôi nghi ngờ sự cần thiết phải có Điều 6 trong luật này, đề nghị các đồng chí xem lại.”
Ngược lại, giơ biển tranh luận sau phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Viện Tim Hà Nội) cho biết, ông “rất sốc” trước phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc và đề nghị Quốc hội đánh giá lại phát biểu của vị ĐB tỉnh Đồng Nai.
![]() |
“Không biết các đại biểu có cảm tưởng ra sao, nhưng tôi rất sốc và rất buồn khi nghe đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu như vậy. Tôi nghĩ rằng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị của nó cho dù 70 năm trôi qua. Đây là điều chúng ta phải khẳng định như vậy, tất cả chúng ta hiện nay đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” – ông Tuấn nói.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Tuấn, “cho dù thời cuộc có thay đổi, chúng ta đã cơ chế thị trường, đồng tiền đã len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi những nhân sĩ, trí thức, những nhà khoa học, những cán bộ, viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, tình yêu nước, giống hệt như các nhân sỹ cách đây 70 năm.”
Nếu dùng tiền để mua được đạo đức, để mua khoa học, kiến thức thì không có nhiều nhà khoa học bỏ đồng lương rất cao về Việt Nam đóng góp cho đất nước. Không có những nhà khoa học, những nhân tài đang ngồi nhận lương công chức, viên chức, họ từ bỏ lương rất cao ở tư nhân” - Giám đốc Viện Tim Hà Nội nói, đồng thời “mong Quốc hội nhìn nhận và đánh giá lại phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trong vấn đề này, nếu không người dân sẽ hiểu sai là chúng ta đang làm việc nhưng không có lòng yêu nước là không đúng. Chúng ta tự tôn dân tộc rất cao và tình yêu nước cũng rất cao, không thua kém gì các tiền bối của chúng ta".
Tiếp tục tranh luận lại, ĐB Dương Trung Quốc hỏi: "Không biết tất cả các vị có suy nghĩ cách nói của tôi giống như đại biểu Tuấn nói không? Tôi muốn nhấn mạnh rằng học tập tư tưởng của người xưa chúng ta phải biết vận dụng vào đời nay, chứ không phải giáo điều".
"Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm Giám đốc Sở chứ đừng nói là một Phó Chủ tịch nước hay một Chủ tịch Quốc hội ngoài Đảng không? chắc chắn là không, vì cơ chế thay đổi rồi, vẫn là chế độ do Bác Hồ dựng nên có phải chế độ khác đâu, nên chúng ta phải biết vận dụng" - ông Quốc phân tích. Theo ĐB tỉnh Đồng Nai, cốt lõi trong tinh thần của Bác Hồ cũng là tiếp thu của người xưa là dụng nhân như dụng mộc, biết dùng người, biết dùng đúng lúc, đúng chỗ và có một hệ thống giá trị để thu hút.
"Hiện nay, có những vấn đề liên quan đến hệ thống giá trị, tại sao một người y tá giỏi luôn luôn phải đứng dưới một bác sĩ tầm thường, kể cả lương bổng, kể cả thưa gửi trong một hội nghị. Hơn nữa, chúng ta đang bàn luật của công chức, công chức là một bộ phận rất quan trọng nhưng không phải tất cả, vì thế ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến một yếu tố là gì chúng đã vận dụng nhưng chúng ta đừng giáo điều, nhất là chúng ta đừng chụp mũ" - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Xuân Hưng