- “Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về các giải pháp xuất khẩu sản phẩm nông-ngư nghiệp.
Sáng 6/11, chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặt câu hỏi về việc thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới.
“Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, là có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi. Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi” – Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, từ 2018 đến nay, đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.

Tham gia giải trình thêm cho phần trả lời của bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay, ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều nông dân vay vốn, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.
“Cuối tháng 10, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức lại sản xuất hiệu quả bền vững hơn, và kiến nghị UBND các tỉnh, thành tập trung phối hợp với ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì cơ cấu lại nợ, còn đối với các trường hợp chây ỳ, thì sẽ kiên quyết thu hồi nợ. Với các giải pháp này, Bộ NN-PTNT, các địa phương và ngân hàng cùng phải vào cuộc để giải quyết tốt hơn” – Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Tranh luận lại về vấn đề "tàu 67", đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhắc lại câu hỏi về việc lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi, trong đó có một số ngư dân tháo phá kẹp chì của định vị, mang một số định vị ra khu vực tàu hậu cần có hỗ trợ dầu để lấy hỗ trợ của nhà nước; nghi ngờ có tình trạng móc nối giữa ngư dân chức năng và cơ quan nhà nước để rút tiền hỗ trợ. “Vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để chấn chỉnh vấn đề này?” – ĐB Phan Thái Bình đặt câu hỏi
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát lại. “Còn đối với các giải pháp về quản lý, cần phải quản chặt thiết bị định vị. Nếu phát hiện sai phạm thì không cấp phép cho các tàu ra khơi nữa. Bên cạnh đó, nếu phát hiện chi cục thủy sản nào móc nối với ngư dân để rút tiền ngân sách hỗ trợ thì phải xử lý nghiêm khắc” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng quan tâm đến vấn đề đánh bắt cá của ngư dân, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Hiện nay, đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản chủ yếu do người dân chủ động, vậy giải pháp hỗ trợ người dân đánh bắt với kỹ thuật cao hơn là gì?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về việc đánh bắt cá hiện nay nặng về cổ truyền, truyền thống và phương tiện. Hiện nay tổng phương tiện chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn. Tất cả tàu có công suất lớn, các địa phương đều tự bỏ tiền ra đóng. Các tàu lớn này đã được trang bị các loại máy dò cá. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, phương tiện dưới 15 m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, cần có lộ trình trình để tường bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về tình trạng cá ngừ địa phương là sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam, nếu làm tốt khâu chế biến và bảo quản, thì giá trị có thể nâng tới 1 - 2 tỷ đô la. “Vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng có chỉ đạo như thế nào trong xây dựng phương án, đảm bảo chế biến, bảo quản tốt cá ngừ sau đánh bắt?” – ĐB hỏi.
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, cá ngừ là sản vật khai thác ở vùng biển của ta và xuất khẩu cá ngừ đã đạt được 650 triệu USD nhưng thừa nhận, việc khai thác, chế biến tốt hơn thì sẽ đạt giá trị cao hơn.
Nêu một mô hình làm tốt ở Khánh Hòa, đó là liên kết giữa Công ty với 145 tàu của ngư dân, đưa tàu hậu cần thu mua ngay trên biển, nhưng theo Bộ trưởng Cường, mô hình tiên tiến chưa được áp dụng đại trà.
“Nếu làm tốt chúng ta có thể nâng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị xuất khẩu của cá ngừ” – Bộ trưởng khẳng định và nhấn mạnh cần tập trung vấn đề công nghệ chế biến và liên kết tổ chức sản xuất.
“Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, Bộ trưởng nói và cảm ơn đại biểu đã hỏi câu hỏi này để Bộ nhìn thấy vấn đề, từ đó sẽ có giải pháp chú trọng hơn.
Lối đi xuống biển của ngư dân bị bịt kín: Bộ Nông nghiệp phải có trách nhiệm
Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói về quan điểm, giải pháp đối với tình trạng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort bịt kín lối ra biển tìm sinh kết của ngư dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cười nói: “Đường ra biển sao lại đi hỏi cái ông Bộ Nông nghiệp? Không đúng địa chỉ lắm”.
Dù vậy, Bộ trưởng cũng nói thêm: “Tất nhiên, vẫn phải có trách nhiệm phối hợp với các địa phương”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, “Bộ Nông nghiệp vẫn phải có tiếng nói cho ngư dân, bởi vì ngư dân đánh bắt trên biển, là đối tượng mà Bộ Nông nghiệp phải lo. Bộ Nông nghiệp phải có tiếng nói với bộ nào, ngành nào đang bịt kín lối ra biển của ngư dân”.
Sau ý kiến này của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Nếu nói theo khía cạnh đó thì Bộ ủng hộ quyết liệt và tới đây sẽ cùng bà con nông dân và các Bộ ngành cùng có trách nhiệm nêu vấn đề này lên để tìm giải pháp tháo gỡ".