- Tại Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh như giao thông đường bộ, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực như an toàn thông tin mạng…
Sáng ngày 10/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo tờ trình của Chính phủ, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.
Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến Ủy ban đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó…
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bài học rõ nhất là việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với mức phạt hành chính cao đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, người dân đã tự ý thức tránh xa rượu bia khi tham gia giao thông.
“Tăng mức phạt hành chính đều có ý nghĩa răn đe của nó cả. Nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến. Cchúng ta cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng để tăng sức răn đe.” Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Còn theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đối với 10 lĩnh vực tăng mức phạt tiền tối đa, mới chỉ quy định mức trần, chưa quy định mức tối thiểu.
"Thời gian qua, vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng, trong khi đó nếu quy định mức phạt là 30 triệu đồng như dự thảo Luật Chính phủ trình thì chưa đủ sức răn đe, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tăng mức phạt trong lĩnh vực này, nếu không, các vi phạm trong lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới." - bà Hải nói.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng lưu ý, vấn để liên quan đến xử phạt hành chính trong khai thác cát, đá, sỏi và an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng được cử tri quan tâm. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn để đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do vậy, mức phạt ở lĩnh vực này cũng cần phải quy định ở mức thật cao.
Vấn đề xử phạt các hành vi quấy rối tình dục cũng được nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng phải tăng lên ở mức cao hơn.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Cân nhắc quy định cắt điện, nước khi thực hiện cưỡng chế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính Chính phủ trình lần này cũng đã bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới. Cụ thể, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là vấn đề lớn nhưng Báo cáo đánh giá tác động không đánh giá tác động của việc bổ sung biện pháp này.
Theo phân tích của Ủy ban Pháp luật, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp “ngừng cung cấp điện, nước” cho cá nhân, tổ chức; như vậy là can thiệp “quá sâu” vào quan hệ dân sự.
Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này, mà bổ sung quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, không phải là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” không nên là biện pháp cưỡng chế; đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thực tiễn có quốc gia nào trên thế giới quy định như vậy chưa?
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” có thể sẽ là một biện pháp cưỡng chế hiệu quả.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần đảm bảo vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.