(VnMedia) -
Trải qua năm 2017, thị trường chứng khoán trong nước đã ghi dấu ấn mạnh khi có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Châu Á. Cùng với đó, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng và các doanh nghiệp tỷ USD tham gia niêm yết, đang góp phần gia tăng tổng giá trị vốn hóa của thị trường lên đáng kể.
Đánh giá về thị trường chứng khoán năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong năm 2017, thị trường chứng khoán đã có nhiều thành tích quan trọng.
Theo đó, quy mô vốn hóa của thị trường đã vượt cả mục tiêu tới năm 2020 khi đạt trên 70% GDP. Đã chuẩn bị tích cực, chu đáo, khai trương và vận hành suôn sẻ thị trường chứng khoán phái sinh, góp phần vào việc củng cố, phát triển và hoàn thiện thể chế của thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, trong năm qua đã huy động được nguồn vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, thị trường đã có được một ấn tượng rất rõ nét khi tổ chức đấu giá thành công đợt bán vốn nhà nước tại Sabeco, thu về cho Nhà nước hơn 109 nghìn tỷ đồng.
Ghi nhận những kết quả đạt được, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam cũng cho biết, năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật.
Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ra đời
Năm 2017 vừa qua, ghi nhận sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, đây được xem là một bước quan trọng trong tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam.
![]() |
Bản chất của thị trường chứng khoán phái sinh là cung cấp công cụ phòng ngừa cho nhà đầu tư, tuy nhiên trong những tháng đầu hoạt động, thị trường này mới được sử dụng như một kênh đầu tư sinh lợi với các chủ thể tham gia chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Chỉ số Vn-Index trở lại vùng 970 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chịu các tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008 khi dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút ra.
Sau đúng 10 năm, ngày 4/12/2017, chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao 970 điểm (tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016), chính thức lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007. Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.
![]() |
Ở quy mô vốn hóa này, thị trường chứng khoán Việt Nam đủ tiêu chuẩn định lượng về số doanh nghiệp vốn hóa lớn để sánh vai với các thị trường mới nổi.
Hoạt động nhà đầu tư diễn ra sôi nổi, số lượng tài khoản của NĐT tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản tăng 11% so với cuối năm 2016, trong đó tài khoản NĐTNN tăng 14,3%.
Thị trường có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tỷ USD
Với 5 ngân hàng cùng lên sàn năm 2017, sàn chứng khoán đã đón tổng cộng 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán trong tổng cộng hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPB (niêm yết trên HOSE); ACB, SHB, NCB (trên HNX) và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên UPCoM. Bên cạnh đó có một số ngân hàng đã được cấp mã chứng khoán và đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chào sàn vào đầu năm 2018 như: Techcombank, HDBank, TPBank…
![]() |
Cũng trong năm 2017, hàng loạt những quả đấm thép chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại thị trường chứng khoán, trong đó không thiếu những cái tên có vốn hóa hơn 1 tỷ USD như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã: HVN-UPCoM), Tập đoàn dệt may Việt Nam (mã: VGT-UPCoM), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (mã: PLX-HOSE),…
Sự hiện diện của những tên tuổi lớn đã và đang góp phần gia tăng tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán lên đáng kể.
Hiện có 731 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 679 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt gần 959 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2016.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,2 tỷ USD trên sàn niêm yết
Khoảng 1,2 tỷ USD là giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết. Năm 2017, chứng kiến hoạt động giao dịch mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, với việc mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng). Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007.
![]() |
Tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016.
Năm của các thương vụ thoái vốn kỷ lục
Năm 2017 ghi dấu những thương vụ thoái vốn nhà nước kỷ lục và thành công. Ngày 18/12, gần hơn 343 triệu cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương với hơn 53% cổ phần đã được hai nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của ThaiBev của Thái Lan. Thương vụ này đã giúp Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng.
![]() |
Trước đó, 3,33% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được đưa ra đấu giá cũng đã được đấu giá thành công khi có một tập đoàn của Singapore chi ra 8.990 tỷ đồng để mua trọn lô đấu giá này.
Thị trường giao dịch trái phiếu tăng trưởng ngoạn mục
Năm 2017, tổng giá trị giao dịch bình quân trái phiếu đạt hơn 8.890 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm 2016. Thị trường TPCP tiếp tục có bước phát triển mạnh về chiều sâu, giá trị giao dịch Repo tăng 72% so với năm 2016 và chiếm 48% tổng giao dịch toàn thị trường trái phiếu.
Năm 2017 cũng tiếp tục chứng kiến những thành công trong huy động vốn qua đấu thầu trái phiếu, khi tổng khối lượng Trái phiếu Chính phủ huy động được đạt 189 nghìn tỷ đồng, riêng Kho bạc Nhà nước huy động được 158 nghìn tỷ đồng.
Minh Ngọc (Đồ họa: Ngọc Hoa)