- Trước kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh vàng về việc sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng nhà nước nêu quan điểm “kiên định” tiếp tục thực hiện Nghị định vì những lợi ích đem lại rất lớn, giá vàng không còn “nhảy mú”, ổn định vĩ mô…
Trả lời báo chí về việc Hiệp hội kinh doanh Vàng vừa đã gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng sau 8 năm có hiệu lực, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú giải thích, đây là câu chuyện về vàng miếng, vàng nguyên liệu.
“Về kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh Vàng, trước hết chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra quan điểm là kiên định với những chính sách, cơ chế và những kết quả đã được chứng minh là có hiệu quả và phù hợp trong thời gian qua, đó là Nghị định 24 về quản lý vàng" - ông Tú nói.
![]() |
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú |
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung mà Hiệp hội kinh doanh Vàng đề xuất và cũng phân tích đánh giá những mặt thiệt hơn trong câu chuyện này.
Giải thích lý do phải “đặt ra quan điểm kiên định” đó, Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Nghị định 24 đi vào cuốc sống cho thấy lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô.
“Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỉ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô" - ông Tú nói.
Theo Phó Thống đốc, nếu giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa. “Dù sao vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ. Chính vì thế mới có cơ chế theo Nghị định 24 cho vàng.” – ông Tú nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng cho hay, chuyện thành lập sàn vàng hay tạo điều kiện thêm cho kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu đã nhiều lần được đặt ra chứ không phải mới lần này.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến đó và sẽ tiếp tục có những nghiên cứu một cách thấu đáo, nhưng trước hết phải mang lại lợi ích chung cho sự ổn định vĩ mô, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, mọi người dân và sau đó mới tính đến lợi ích của đối tượng, thành phần tham gia kinh doanh vàng. Chúng ta phải vì lợi ích chung trước.” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ông Tú cho biết thêm, việc thành thập sàn vàng cũng như sở giao dịch vàng cũng đã có đề xuất trước đây, có hoạt động rồi và nhìn thấy rủi ro cũng như tính phức tạp bởi đó là việc kinh doanh rất tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến vấn đề ngoại tệ, cơ chế quản lý ngoại tệ rồi vấn đề “vàng hóa” trong nền kinh tế…
“Những vấn đề này khi xây dựng Nghị định 24 cũng đã được phân tích, mổ xẻ, đánh giá một cách rất chi tiết.” – Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước khẳng định.
Mới đây, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.
Lý do, theo Hiệp hội kinh doanh vàng, Ngân hàng nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp, nên việc giao Ngân hàng nhà nước sản xuất vàng miếng tại Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.
Hiệp hội kinh doanh vàng cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.
Đồng thời, Hiệp hội vàng cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Kèm theo đó là đề nghị Thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.