Luật Các tổ chức tín dụng: Cần gỡ khó việc thu giữ tài sản đảm bảo là BĐS

0
0

 - Nhiều khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý quyền nắm giữ BĐS khi người vay thế chấp cấn trừ nợ tại các ngân hàng cần được Luật Các tổ chức tín dụng tháo gỡ...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) hôm qua (8/3) đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Hiện nay, NHNN đang khẩn trương thực hiện xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Chính phủ trước ngày 10/3/2023, và dự kiến được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đóng vai trò hết sức quan trọng cho hoạt động của hệ thống các TCTD.

Tọa đàm được tổ chức để tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành liên quan, các hội viên HHNH, giúp Cơ quan soạn thảo hoàn thiện thiện dự thảo Luật bảo đảm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Dự thảo Luật được xây dựng gồm 200 Điều theo kết cấu các Chương được kế thừa Luật Các TCTD hiện hành và có bổ sung 01 Chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (Chương IX).

Nội dung dự thảo Luật kế thừa các quy định còn phù hợp tại Luật Các TCTD hiện hành và sửa đổi, bổ sung một số quy định trên nguyên tắc: Sửa đổi, bổ sung trên cơ sở triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 03/NQ-CP; sửa đổi, bổ sung một số nội dung lớn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng; luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Đại diện Ban Soạn thảo mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý để Ban soạn thảo tiếp thu vào dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, gắn với triển khai Đề án Tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu quản trị, kiểm soát các TCTD tốt hơn, tránh rủi ro trong hoạt động có thể xảy ra.

Thế chấp BĐS
Ảnh minh họa

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Ý kiến của các đại biểu tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD; quy định về hoạt động của TCTD; Quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD; Quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; quy định về cơ cấu lại các TCTD yếu kém; Quy định về hoạt động của công ty tài chính…

Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng được quyền nắm giữ BĐS khi người vay thế chấp cấn trừ nợ, tuy nhiên trong vòng 3 năm phải bán đi, hoặc phải mua lại để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định trên đây có khó khăn, vướng mắc.

Thực tế, nhiều BĐS không dễ bán, nhất là những BĐS có giá trị lớn như toà chung cư. Ngân hàng nếu mua lại thì không có nhu cầu làm trụ sở kinh doanh, bán lại không tìm được người mua, hoặc có thể bị thấp hơn giá trị cấn trừ nợ. Chưa kể nhiều trường hợp sau đó phát sinh tranh chấp khiến việc xử lý BĐS không thực hiện được. Do vậy việc quy định tổ chức tín dụng chỉ nắm giữ BĐS để xử lý trong thời hạn 3 năm là chưa khả thi.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV cho biết, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) vẫn giữ nguyên nội dung tại Điều 132 của Luật các TCTD hiện hành, tuy nhiên, nếu áp dụng thì quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân là do chưa làm rõ được khái niệm "nắm giữ BĐS" (là việc TCTD nhận bàn giao tài sản từ khách hàng/bên bảo đảm/bên thứ ba/cơ quan có thẩm quyền hay kể từ thời điểm TCTD ra quyết định xử lý).

Bên cạnh đó, theo bà Phương, theo tinh thần của điều Luật có thể được hiểu trong trường hợp này TCTD đã nắm giữ BĐS để xử lý thu hồi nợ nhưng chưa thực hiện chuyển quyền sở hữu sang tên cho ngân hàng.

“Thực tế cho thấy, kể từ thời điểm ngân hàng thu giữ, nhận bàn giao tài sản bảo đảm cho đến khi xử lý xong thường kéo dài. Chưa kể nhiều trường hợp sau đó phát sinh tranh chấp khiến việc xử lý BĐS không thực hiện được.” – bà Phương nêu rõ.

Giám đốc Ban Pháp chế BIDV cho rằng, việc quy định TCTD chỉ nắm giữ BĐS để xử lý trong thời hạn 3 năm là chưa khả thi. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, TCTD nắm giữ BĐS trong trường hợp này cũng khó thực hiện được việc kinh doanh BĐS do về pháp lý BĐS chưa được chuyển quyền sở hữu cho TCTD nên TCTD chưa có đầy đủ quyền sở hữu để kinh doanh, khai thác.

Ngoài ra, kể cả một số trường hợp thực hiện được việc khai thác, sử dụng tài sản trong thời gian chờ xử lý thì cũng là với mục đích chủ yếu là để thu hồi, tận thu nợ đối với khách hàng mà không phải là với mục đích kinh doanh BĐS.

Đại diện BIDV kiến nghị, để tạo điều kiện cho các TCTD sử dụng được nhiều nguồn lực, phương thức để xử lý nợ, thu hồi vốn, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm quản lý Nhà nước trong việc hạn chế các TCTD thực hiện kinh doanh BĐS, đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 132 Luật Các TCTD 2010 theo hướng quy định nắm giữ BĐS là việc TCTD nhận tài sản là BĐS để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng tại TCTD.

Trong thời hạn 5 năm hoặc một thời điểm cụ thể mà NHNN đánh giá là phù hợp, kể từ ngày TCTD nhận BĐS để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng; hoặc quyết định làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD, bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140 của Luật này.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với BĐS khi TCTD nhận tài sản là BĐS để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.

Hải Hoàng

Ý kiến bạn đọc


3 trận động đất trong ngày 15/4

(VnMedia) - Trong ngày 15/4, đã có 3 trận động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Kon Tum, trong đó 2 trận có độ lớn trên 3.0.

Giá vàng tiếp tục tăng tốc, vàng nhẫn tròn trơn giữ ở mức cao

(VnMedia) – Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (16/4) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã tiếp tục tăng gần 21 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.

Chào tháng 4: Điểm mặt loạt khuyến mại siêu hấp dẫn từ VNPT Money

(VnMedia) - Chào tháng 4, VNPT Money đã tung ra hàng loạt khuyến mại hấp dẫn dành cho các khách hàng. Trong đó có thể kể đến, ưu đãi thanh toán học phí; ưu đãi thanh toán hóa đơn VNPT; Tích điểm - Đổi quà…

Các chuyên gia và nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới

(VnMedia) - Các chuyên gia vẫn cho rằng, đà tăng của vàng mới chỉ bắt đầu. Bất chấp việc lạm phát cao có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến...

Thủ đoạn mới của tội phạm: Lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên mạng xã hội

(VnMedia) - Theo cơ quan công an, đây là thủ đoạn mới của tội phạm nên người dân cần cẩn trọng khi mua, bán những hàng hóa có giá trị qua mạng xã hội, đề phòng kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.