Xuất khẩu sụt giảm kéo tăng trưởng kinh tế xuống thấp

0
0

- Ghi nhận nền kinh tế Việt Nam giảm tốc trong Quý I/2023, chỉ còn tăng trưởng 3,3%, thấp hơn so với mức 5,9% ở quý IV/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I thấp thứ 2 trong thập kỷ qua. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp và sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu.

Xuất khẩu sản phẩm chế tạo thu hẹp 

Theo cập nhật bản tin Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp trong quý 1/2023, chủ yếu do xuất khẩu sản phẩm chế tạo thu hẹp. GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,3% (so với cùng kỳ) trong quý 1/2023, chậm lại so với mức 5,9% (so với cùng kỳ) trong quý 4/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý 1 (so với cùng kỳ) thấp thứ hai trong thập kỷ qua. 

Theo WB, tốc độ tăng trưởng thấp phần lớn là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp (giảm 0,4% so với cùng kỳ) trong quý 1/2023, so với mức trung bình 5,3% (so với cùng kỳ) trong giai đoạn 2020 – 2022 và ảnh hưởng đến tăng trưởng (giảm 0,1 điểm % đóng góp vào GDP). Sự suy giảm trong ngành công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Trong quý 1/2023, các ngành dịch vụ tăng trưởng 6,8% ( so với cùng kỳ ) và đóng góp 2,9 điểm % vào GDP. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% - và đóng góp 0,3 điểm % vào tăng trưởng GDP trong quý 1/2023.

 

Cùng với đó, xuất nhập khẩu quý 1/2023 giảm so với cùng kỳ. Theo đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm lần lượt là 11,8% (so cùng kỳ) và 14,6% (so với cùng kỳ) trong quý 1/2023. Đây là quý thứ hai liên tiếp hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam bị thu hẹp. Xuất khẩu giảm chủ yếu do hai nhóm hàng là máy vi tính, điện thoại, điện tử và máy móc giảm khoảng 14,3% (so với cùng kỳ) và các sản phẩm dệt may, da giày giảm khoảng 18% (so với cùng kỳ) trong quý 1/2023. Phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử và máy móc cũng giảm 23% (so cùng kỳ) trong quý 1/2023, cho thấy sự phụ thuộc lớn của xuất khẩu công nghệ cao vào các đầu vào nhập khẩu này. Là đầu vào chính của ngành dệt may và da giày, nhập khẩu bông, sợi dệt, vải và giày dép cũng giảm 21% (so cùng kỳ) trong quý 1/2023. Một số dấu hiệu cải thiện đã được ghi nhận vào tháng 3 năm 2023 khi xuất khẩu tăng 13,5% (so với tháng trước) và nhập khẩu tăng 24,4% (so với tháng trước). 

Như vậy, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (650 triệu USD) trong tháng 3, mặc dù đã thu hẹp so với mức 2,8 tỷ USD được ghi nhận của tháng 2/2023.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu

Cũng theo cập nhật bản tin Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), cam kết FDI giảm 40% so với cùng kỳ trong quý 1/2023 – quý thứ năm liên tiếp cam kết FDI giảm, điều này phản ánh sự bất định gia tăng liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt các điều kiện tài chính để kiểm soát lạm phát ở các nền kinh tế phát triển. 

Giải ngân vốn FDI (hoặc thực hiện các cam kết FDI) bắt đầu chậm lại trong quý 1/2023 sau khi đạt kết quả khả quan trong năm 2022, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm. Giải ngân cho quý 1/2023 giảm 38% so với quý 4/2022 và giảm 2,3% (so với cùng kỳ). Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản vẫn là những ngành chính thu hút cam kết FDI, chiếm khoảng 80% tổng cam kết trong quý 1/2023, tương đương với cơ cấu (tỷ trọng) các ngành thu hút FDI trong ba năm qua.

Sau khi tăng liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 1 năm 2023, cả lạm phát giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát cơ bản đều giảm trong tháng 2 và tháng 3 năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 4,9% (cùng kỳ) trong tháng 1 xuống 4,3% (cùng kỳ) vào tháng 2, và tiếp tục giảm xuống còn 3,4% (cùng kỳ) vào tháng 3 năm nay. Lạm phát giảm là nhờ sự thúc đẩy bởi mức tăng giá lương thực và thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng lần lượt là 1,3 điểm % và 1,2 điểm % trong bảng chỉ số CPI của quý này. Giá dịch vụ giao thông cũng giảm 4,9% vào tháng 3 năm 2023, giúp giảm 0,5 điểm % tỷ lệ lạm phát CPI.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) đối với ngành công nghiệp và nông nghiệp điều chỉnh giảm từ mức 6,5% trong Qúy 4/2022 xuống còn 2,8% trong Quý I/2023. Sự giảm tốc của chỉ số sản xuất công nghiệp có liên quan đến việc giảm giá hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu.là máy vi tính, điện thoại, điện tử và máy móc giảm khoảng 14,3% so với cùng kỳ và các sản phẩm dệt may, da giày giảm khoảng 18% trong Qúy I/2023.

Theo khuyến nghị của WB, tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý 1/2023 do xuất khẩu sản phẩm chế tạo giảm mạnh, cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. 

“Dự kiến tăng giá điện và tiền lương khu vực công trong những tháng tới có thể gây áp lực lên lạm phát. Khả năng Mỹ tiếp tục thắt chặt tài chính để kiểm soát lạm phát có thể ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm một số lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính”, WB cho hay.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng dựa vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số

(VnMedia) - Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Đây là một trong những định hướng quan trọng tại Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(VnMedia) - Lực lượng Công an các đơn vị và Công an tỉnh Điện Biên đã đảm bảo quân số, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước để chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Nắng nóng diện rộng chấm dứt từ ngày mai (5/5)

(VnMedia) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 05/5, nắng nóng diện rộng ở các khu vực trên cả nước có khả năng kết thúc.

Giá vàng thế giới giảm phiên thứ 2 liên tiếp 

(VnMedia) - Chốt phiên làm việc rạng sáng nay (4/5), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã tiếp tục giảm nhẹ hơn 1 USD/ounce. Đây là phiên đi xuống thứ 2 liên tiếp trên thị trường kim loại quý này.