Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước

0
0

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 15/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện nêu, trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, quyết liệt, hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

 

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN. Chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu... Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh công tác hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.

Tăng cường công tác thanh tra thuế, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn; chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu, hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước, thu hồi nợ thuế.

Tăng cường phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản, buôn lậu xăng dầu qua đường biển và qua biên giới.... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thực hiện việc tái cấu trúc, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình cơ cấu lại; đẩy nhanh công tác quyết toán đối với doanh nghiệp đã cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thu về NSNN. Tiếp tục rà soát, thực hiện các biện pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, đảm bảo phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi cho phép.

Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN trong thời gian còn lại của năm 2023 và ngay từ những tháng đầu năm 2024; điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên nhất là trong dịp tết nguyên đán, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai,… dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định.

Tiếp tục chỉ đạo hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời và đúng quy định cho doanh nghiệp và người dân.

Đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo sát, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đề ra.

Phân công Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Cảnh báo lỗ hổng Linux kernel đang bị khai thác trong thực tế

(VnMedia) - Thứ Năm vừa qua, Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng Mỹ (CISA) đã bổ sung một lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng đến Linux kernel vào danh mục Các lỗ hổng bị khai thác đã biết (KEV).

Phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số

(VnMedia)- Đây là một nội dung quan trọng trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành ngày 02/8/2022 theo Quyết định số 922/QĐ-TTg.

Lỗ hổng Zero-day trong VPN đang bị khai thác trên các sản phẩm của Check Point

(VnMedia) - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin ghi nhận thông tin liên quan đến lỗ hổng CVE-2024-24919 tồn tại trên các sản phẩm của hãng Check Point.

Giá vàng giảm nhanh, rơi xuống mức thấp

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (1/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm hơn 16 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC lại giảm mạnh tới gần 2 triệu đồng/lượng khi chốt phiên làm việc cuối giờ chiều qua (31/5).

10 tỉnh chậm giải ngân vốn đầu tư công của chương trình mục tiêu quốc gia

(VnMedia) - Bộ Tài chính đã có công văn số 5404/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu từ nguồn NSNN tháng 4, ước thực hiện tháng 5 kế hoạch năm 2024. Trong đó, còn tới 10 tỉnh giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ dưới 10%.