- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (3/4) cảnh báo về những hậu quả “thảm khốc” nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria. Lời cảnh báo này được đưa ra khi ông Pompeo có cuộc gặp ở Washington với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
"Ngoại trưởng Pompeo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình đàm phán đang diễn ra liên quan đến khu vực đông bắc Syria. Đồng thời, ông Pompeo cũng cảnh báo về những hậu quả thảm khốc trong tương lai nếu Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương thực hiện hành động quân sự trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp của Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó liên tục đe dọa sẽ tấn công Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd nắm vai trò chủ đạo. SDF đã gia nhập vào liên minh do Mỹ dẫn đầu tham gia cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, Ankara lại coi lực lượng SDF như kẻ thù.
Những quan ngại về sự an toàn của lực lượng chiến binh SDF trước lời đe dọa của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Mỹ phải hoãn lại quyết định rút quân ra khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đang có chuyến thăm đến Washington để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập liên minh quân sự NATO.
Phát biểu tại một diễn đàn trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Cavusoglu khi được hỏi liệu ông có nghĩ Mỹ có một chính sách rõ ràng ở Syria đã thẳng thừng trả lời rằng: "Không, và đây là vấn đề."
Ankara và Washington từ lâu đã mâu thuẫn sâu sắc với nhau ở chiến trường Syria bởi Mỹ ủng hộ, hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng YPG trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi YPG là lực lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang rất tức giận và mất kiên nhẫn trước việc triển khai chậm trễ thỏa thuận mà theo đó Washington cam kết rút toàn bộ lực lượng chiến binh người Kurd YPG ra khỏi thành phố Manbij – khu vực nằm chủ yếu ở phần lãnh thổ phía tây của sông Euphrates và lùi về phía đông của con sông này. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tránh đánh vào Manbij vì sợ đụng chạm đến Mỹ.
Tuy nhiên, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nói đến kế hoạch phát động một chiến dịch quân sự nhằm xóa sạch lực lượng SDF ra khỏi những khu vực nằm ở biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và là một phần của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. YPG là lực lượng chiến đấu nòng cốt trong đội quân chống IS ở Syria. YPG đã chứng minh họ là một lực lượng chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các nhóm chiến binh khủng bố, cũng như chiếm lại các khu vực lãnh thổ từ tay IS. Việc YPG thiết lập được một khu vực kiểm soát ở khu vực sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Ankara thực sự lo ngại.
Phản ứng trước lời cảnh báo mới nhất của Mỹ về vấn đề Syria, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay đã đáp trả lại rằng Mỹ phải “lựa chọn” hoặc “vẫn là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc làm phá hỏng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước bằng cách hợp tác với lực lượng khủng bố”. Ankara dùng từ “khủng bố” để nói đến lực lượng người Kurd – YPG ở chiến trường Syria.
Ngoài vấn đề Syria, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo còn gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ về hợp đồng mua các tên lửa phòng không đình đám S-400 của Nga.
Mỹ hồi đầu tuần này đã quyết định hủy bỏ việc bàn giao các chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do nước này mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Kiệt Linh (tổng hợp)