- Cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan đã khiến Moscow phẫn nộ khi nói về một cuộc xâm lược “tưởng tượng” từ Nga và cho rằng một cuộc phản công bằng hạt nhân của Mỹ là biện pháp đáp trả “thích hợp nhất” đối với Nga.
Ông Waldemar Skrzypczak – người chỉ huy Lực lượng Lục quân Ba Lan cho đến năm 2009, dường như vẫn bị ám ảnh về chiến tranh khi ông này nói về các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ để đáp trả cuộc xâm lược tưởng tượng của Nga. Ông này cho rằng, việc NATO tăng cường lực lượng quân sự ở sườn phía đông Châu Âu hiện tại là chưa đủ.
Cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan Skrzypczak rõ ràng có chung quan điểm với hàng loạt tướng lĩnh quân sự diều hâu của phương Tây – những người thường xuyên nói đến “mối đe dọa mang tên Nga”. Phát biểu với Wirtualna Polska, ông Skrzypczak cho rằng Ba Lan hiện đã trở thành một tiền đồn chống lại “sự xâm lược từ hướng Đông”. Ba Lan có thể trở thành nơi diễn ra cuộc xung đột giữa Nga với NATO và đây là lý do tại sao liên minh quân sự phương Tây phải thừa nhận rằng Ba Lan “là một quốc gia cực kỳ quan trọng xét từ quan điểm chiến lược”, vị tướng cấp cao nghỉ hưu của Ba Lan đã khẳng định như vậy.
Ông Skrzypczak cho rằng, Nga hiện là “mối quan ngại lớn nhất của thế giới tự do” và không quân đội nào ở Châu Âu có thể địch được nổi với “cỗ máy chiến tranh của Nga”. Chỉ có một thứ duy nhất còn lại có thể tránh được mối nguy hiểm tiềm năng nói trên. “Sự thực là người Mỹ đã thề sẽ tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân để ngăn Hồng quân ở Ba Lan”, ông Skrzypczak cho biết, rõ ràng ám chỉ đến những ngày xưa của Thời Chiến tranh Lạnh.
Hiện tại, đang có các kế hoạch như vậy nếu ông Putin tấn công. Xét theo khía cạnh quân sự, đó là cách đáp trả thích hợp nhất, vị cựu Tướng Ba Lan đã nhấn mạnh như vậy. Một kết quả như vậy là điều “không thể chấp nhận” được với Ba Lan nhưng nếu một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, “sẽ không ai hỏi ý kiến của chúng tôi”, cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan cho hay. Trở lại thực tế, ông Skrzypczak thừa nhận, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Ba Lan là nước này bị cô lập “do kết quả của những sai lầm chính trị riêng của chúng tôi.”
Những phát biểu trên được cựu Tư lệnh Lục quân Ba Lan đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ba Lan đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trong mấy năm trở lại đây, Ba Lan đã thực hiện hàng loạt bước đi nhằm chống lại Nga. Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.
Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.
Song song với đó, trong thời điểm này, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực. Sự thổi phòng về mối đe dọa từ Nga cũng khiến nhiều nước láng giềng Đông Âu và Baltic ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho nước họ đồng thời liên tục kêu gọi, thúc giục Mỹ và NATO tăng cường sự hiện diện quân sự đến khu vực xung quanh Nga.
Với cái cớ về mối đe dọa từ Nga, Ba Lan có rất nhiều hành động khiêu khích, chọc giận nước láng giềng Nga. Ba Lan là nước được Mỹ và NATO chọn làm nơi lắp đặt các bộ phận trong hệ thống phòng thủ tên lửa được cho là nhằm vào Nga. Ba Lan cũng là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận của Mỹ và NATO. Chưa hết, Ba Lan còn từng công khai tuyên bố, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng đưa “kho vũ khí hạng nặng” của Washington đến đặt trên đất Ba Lan.
Thái độ của Ba Lan khiến Nga thực sự tức giận và liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc.
Kiệt Linh (tổng hợp)