- Trong một tuyên bố gần đây, một quan chức của Bình Nhưỡng đã lên án cuộc tập trận không quân sắp tới giữa Mỹ và Hàn Quốc, miêu tả cuộc tập trận này như “một tấm chăn ẩm” phủ lên tiến trình đối thoại vừa được thắp sáng lên giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trước đó chỉ vài ngày, Lầu Năm Góc vừa thông báo về việc Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tập trận không quân có giới hạn với Hàn Quốc trong những tuần sắp tới thay cho cuộc tập trận hàng năm Vigilant Ace.
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, ông Kwon Jong Gun, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, đã khẳng định rằng quyết định của Mỹ “không khác gì một sự tuyên bố đối đầu”.
“Hành động quân sự bất cẩn của Mỹ là một sự khiêu khích cực kỳ lớn và là một hành động nguy hiểm, giống như việc ném một tấm chăn ẩm phủ lên tiến trình đối thoại Mỹ-Triều Tiên vừa được thắp sáng lên và đẩy nó trên bờ vực bị dập tắt,” nhà ngoại giao Triều Tiên gay gắt nói. “Không ai tin rằng các cuộc tập trận được thay đổi cũng sẽ thay đổi bản chất của sự hung hăng, gây hấn.”
Cuộc tập trận Vigilant Ace hồi năm ngoái đã bị hủy bỏ ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ hai cuộc tập trận chung khác với Hàn Quốc. Ông Trump giải thích rằng, “những cuộc tập trận rất đắt đỏ” và làm cản trở tiến trình đàm phán với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó - ông Jim Mattis cũng có quan điểm tương tự khi thông báo cuộc tập trận 2019 Foal Eagle sẽ bị giảm quy mô “để giữ ở mức độ không làm hại đến tiến trình ngoại giao”.
Cuộc tập trận Vigilant Ace năm 2017 giữa Mỹ và Hàn Quốc chứng kiến hơn 230 máy bay của Mỹ được điều đến khu vực.
Việc Mỹ hủy bỏ một số cuộc tập trận hoặc giới hạn quy mô các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc là một bước đi “xuống nước” nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng muốn nhiều hơn nữa. Cụ thể, Triều Tiên muốn Mỹ và Hàn Quốc phải chấm dứt hoàn toàn các cuộc tập trận chung.
Lâu nay các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với Bình Nhưỡng. Giữa Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau bởi hai bên mới chỉ kết thúc cuộc chiến năm 1950-53 bằng một thoả thuận ngừng bắn chứ không phải là một hiệp ước hoà bình.
Bình Nhưỡng luôn liên tục kịch liệt phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bởi Triều Tiên xem đó là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào nước họ. Năm nào, Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự tức giận trước các cuộc tập trận chung của Mỹ, Hàn bằng một loạt những lời đe dọa đáng sợ và cảnh báo sắc lạnh, gây ra những cơn “sóng gió” dữ dội trên bán đảo Triều Tiên.
Những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là thời điểm đầy thử thách đối với mối quan hệ song phương giữa hai miền liên Triều và quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
Lời cảnh báo nói trên của phía Bình Nhưỡng được tung ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Hàn cũng như quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên đang ở giai đoạn tiến triển tốt đẹp.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền liên Triều hồi cuối tháng 4/2018 và cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên hồi tháng 6/2018, chưa bao giờ người ta lại có nhiều hy vọng về một cái kết tốt đẹp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên kéo dài dai dẳng bao thập kỷ qua. Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều tháng ở trong giai đoạn căng thẳng cao độ, tiến gần sát đến bờ vực của một cuộc chiến tranh bùng nổ khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, khiến các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sôi sục tức giận. Hàng loạt những lời cảnh báo đáng sợ và những động thái quân sự “gây giật mình” đã được tung ra, khiến bán đảo Triều Tiên luôn ở trạng thái sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng Sáu năm 2018 đã đem lại rất nhiều kỳ vọng. Trong cuộc gặp lịch sử này, hai bên đã ký được một văn bản chung mà theo đó Triều Tiên cam kết sẽ tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo về an ninh từ phía Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ở gần biên giới Triều Tiên.
Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra ở Hà Nội hồi đầu năm nay lại diễn ra không như mong đợi. Trong khi đó, cuộc gặp mới nhất vừa rồi giữa ông Kim và ông Trump được đánh giá chỉ là mang tính biểu tượng và chưa đem lại bất kỳ kết quả cụ thể khả quan nào. Mặc dù vậy, bán đảo Triều Tiên vẫn ở trong trạng thái hòa dịu hơn trước đây. Gần đây, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, khiến tình hình bắt đầu có chiều hướng xấu đi.
Kiệt Linh (tổng hợp)