- Moscow cảnh báo Tehran không được có “những bước đi bất cẩn” nhằm rút ra khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết. Ông Ryabkov nói thêm rằng Nga kêu gọi Iran hãy tuân thủ các nghĩa vụ theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc cho những người phản đối Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) có thêm lý do làm leo thang căng thẳng là hành động “phản tác dụng".
"Những người phản đối JCPOA và những người đang cố tìm cách gây bất ổn tình hình trong khu vực không nên có thêm lý do để làm leo thang tình hình chung, đó sẽ là hành động phản tác dụng, theo ý kiến của tôi”, ông Ryabkov nhắc nhở Iran.
Trước đó, ngày hôm qua (20/1), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nếu vấn đề hạt nhân của Iran được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tehran sẽ từ bỏ NPT.
"Nếu châu Âu tiếp tục hành vi không phù hợp hoặc gửi hồ sơ về Iran lên Hội đồng Bảo an, chúng tôi sẽ rút ra khỏi NPT," hãng tin chính thức của Iran - Iran dẫn lời ông Zarif cảnh báo.
Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân là một hiệp ước quốc tế được ký kết năm 1968 với mục đích nhằm ngăn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí.
Những phát biểu trên của Ngoại trưởng Zarif được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi cho biết trong một cuộc lời phỏng vấn trước đó hôm thứ Hai (20/1) rằng Tehran sẽ vẫn tuân thủ JCPOA, đổ lỗi cho các nước Châu Âu về việc đã không hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Anh, Pháp và Đức đã dành nhiều tháng để tìm cách giữ gìn thỏa thuận hạt nhân 2015 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương phá bỏ thỏa thuận này năm 2018. Tuy nhiên, hôm 14/1 mới đây, Liên minh Châu Âu (EU) bất ngờ đã kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp được ghi rõ trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Theo đó, chỉ sau hai tháng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được quyền tái áp đặt lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Iran, hệ thống ngân hàng và một số quan chức cấp cao. Mặc dù vậy, EU có thể trì hoãn và kéo dài tiến trình này nếu thấy được các tín hiệu thiện chí từ Iran. Các nước thành viên lớn của EU đều khẳng định họ muốn Iran quay trở lại thực hiện nghiêm túc thỏa thuận JCPOA sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo mới đây bắt đầy công khai vi phạm một số điều trong thỏa thuận hạt nhân.
Iran nói rằng họ không nên bị ràng buộc vào thỏa thuận hạt nhân kể từ sau khi Mỹ quay trở lại áp dụng các biện pháp trừng phạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Iran. Sau khi Mỹ tiến hành một cuộc không kích ở Iraq nhằm giết hại Tướng hàng đầu của Iran, Tehran đã đáp trả bằng cách bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào lực lượng Mỹ đóng ở Iraq. Không ai bị thương trong cuộc tấn công nói trên.
Tình hình Trung Đông đang như “chảo lửa” sau khi xảy ra một vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq hồi đầu tuần này. Hàng chục chiến binh Iraq người Shiite cùng với lực lượng ủng hộ họ đã đột nhập vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad. Mỹ đã ngay lập tức trả đũa bằng việc phát động một cuộc không kích ở gần Sân bay Quốc tế ở thủ đô Baghdad, khiến Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran thiệt mạng. Đây được xem là mồi lửa châm ngòi cho cơn cuồng nộ của người Iran. Cộng đồng quốc tế đang thực sự quan ngại viễn cảnh “chảo lửa” Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, vượt ra khỏi tầm kiểm soát sau động thái của Mỹ. Không ít người cho rằng, Tổng thống Trump đã có quyết định sai lầm khi ra lệnh tấn công giết hại vị tướng có ảnh hưởng hàng đầu của Iran.