- Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga hôm qua (5/2) đã bày tỏ sự quan ngại về việc Mỹ triển khai một vũ khí hạt nhân được phóng đi từ tàu ngầm, nói rằng động thái đó phát đi tín hiệu cho thấy Washington có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân hạn chế.
Trước đó, một quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc tuần này đã tiết lộ rằng, một đầu đạn hạt nhân có sức phá hủy hạn chế đã được đưa lên một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Trident II được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng John Rood - người phụ trách về chính sách quốc phòng của Mỹ, hoạt động triển khai các đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt hạn chế sẽ làm giảm nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân thông qua việc làm chùn bước Nga, để Nga không châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân hạn chế.
Moscow đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc nước này đang tính toán một cuộc xung đột như vậy. Chính phủ Nga từ lâu đã luôn chỉ trích các kế hoạch của Lầu Năm Góc trong việc phát triển các vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt hạn chế. Moscow giải thích rằng, một cuộc xung đột hạt nhân hạn chế không tránh khỏi việc sẽ leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua cho biết, hoạt động triển khai tên lửa mới là dấu hiệu cho thấy Mỹ đã tính toán đến một cuộc xung đột hạt nhân quy mô hạn chế, coi đó là một lựa chọn khả thi. Ông Ryabkov miêu tả bước đi của Mỹ là “rất đáng báo động.” "Động thái đó phản ứng thực tế Mỹ đang hạ thấp các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân đồng thời đang tính đến khả năng có thể xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô hạn chế và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó”, Thứ trưởng Ryabkov cho biết.
Vị quan chức ngoại giao cấp cao của Nga cáo buộc Washington đang gây cản trở đối với đề xuất năm 2018 của Moscow về việc tái khẳng định lại một tuyên bố chung được đưa ra năm 1985 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Xô-viết Mikhail Gorbachev, trong đó hai bên khẳng định “một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ có kẻ chiến thắng và không bao giờ được phép xảy ra."
Thứ trưởng Ryabkov cho rằng, Mỹ đang có nguy cơ được ông miêu tả là “trôi về hướng nguy hiểm, trượt về hướng lên kế hoạch cho những kịch bản thảm khốc tuyệt đối không thể chấp nhận được."
Hoạt động triển khai tên lửa hạt nhân của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga vốn đang cực kỳ quan ngại về các bước đi quân sự của Washington sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), buộc Nga phải rút theo.
INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây. Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km). Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga chế tạo các tên lửa bị cấm trong hiệp ước. Trong khi đó, Nga tố ngược lại rằng Mỹ không tuân thủ INF khi thiết lập các căn cứ quân sự ở Đông Âu có khả năng không chỉ phòng thủ mà còn tấn công được và có thể nhằm vào Nga. Bất chấp những lời cáo buộc trên, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama trước đó đã quyết định không từ bỏ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump hồi cuối năm ngoái đã quyết liệt rút Mỹ ra khỏi INF với tuyên bố để trả đũa cho việc Nga không tuân thủ INF. Nhà lãnh đạo Mỹ còn thề rằng, nước ông sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân cho đến khi Nga và Trung Quốc “hiểu ra vấn đề”. Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp ước INF từ hồi đầu tháng Tám năm ngoái.
Với việc hiệp ước INF bị hủy bỏ, hiện tại, chỉ còn Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START MỚI) là bước cản trở cuối cùng đối với viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Hiệp ước này có thời hạn đến năm 2021 và Washington chưa quyết định có làm mới nó hay không.