- Thời tiết mưa nắng thất thường khiến nhiều người dễ nhiễm mầm bệnh; chuyên gia khuyến cáo tiêm chủng và thực hiện đầy đủ biện pháp dự phòng.
Ghi nhận tại các bệnh viện ở Hà Nội và TP HCM, số trẻ em và người lớn mắc các bệnh tiêu hóa trong tuần qua tăng 30% so với tuần trước kỳ nghỉ. Một số bệnh phổ biến được ghi nhận gồm cúm, tiêu chảy do rotavirus, sốt xuất huyết, phế cầu khuẩn... Trong đó, đa phần là trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền đến thăm khám.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, giải thích thời tiết nắng nóng sau đó mưa nhiều tại Hà Nội và nóng oi ả tại TP HCM là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, ví dụ rota virus, cúm,... Bên cạnh đó, số ca mắc mới Covid-19 đang tăng trở lại, chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, đái tháo đường, COPD... khiến nguy cơ bệnh nặng tăng cao.
Việc phòng bệnh lúc chuyển mùa là vô cùng quan trọng trong cộng đồng và đối với từng người. Nhất là ở người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ để tránh bệnh diễn tiến nặng.
Các chuyên gia khuyến cáo một số phương pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong điều kiện thời tiết giao mùa hiện nay:
![]() |
Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả các chuyên gia luôn khuyến cáo dành cho trẻ em và người lớn. (Ảnh minh họa) |
Tiêm phòng đầy đủ
Một số bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa hiện nay đều đã có các vaccine phòng bệnh mang lại hiệu quả cao. Tiêm vaccine phòng bệnh luôn là biện pháp hữu hiệu hàng đầu được các chuyên gia y tế khuyến cáo.
Vaccine phòng bệnh cúm tại Việt Nam hiện có Vaccine tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) giúp phòng ngừa 4 chủng virus cúm gây bệnh nặng gồm cúm A/H1N1, H3N2 và hai chủng cúm B/Yamagata, Victoria, hiệu quả phòng bệnh đạt 70-90%. Một mũi vaccine cúm mỗi năm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, giảm 74% tỷ lệ nhập viện ở trẻ em, giảm 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, giảm 46% nguy cơ hen cấp.
Để phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn hiện Việt Nam có hai loại vaccine Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi.
Đối với bệnh sởi, hiện Việt Nam đang sử dụng vaccine MVVac tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng tuổi; vaccine phối hợp Priorix (Bỉ)/MMR II (Mỹ) phòng sởi - quai bị - rubella; vaccine Priorix.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng vaccine phòng bệnh từ 6 tuần tuổi, bắt buộc hoàn thành liệu trình tiêm chủng trước 6 tháng tuổi đối với vaccine Rotarix và Rotavin-M1, trước 8 tháng tuổi với vaccine Rotateq.
Tiêm vaccine cũng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất đối với bệnh viêm màng não. Theo BS. Bạch Thị Chính – VNVC, hiện VNVC đang có hai loại vaccine ngừa viêm màng não do não mô cầu là VA-Mengoc BC (Cu Ba) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi; vaccine Menactra (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi phòng bệnh não mô cầu do 4 nhóm huyết thanh là A, C, W và Y.
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh phòng bệnh
Cùng với việc lưu ý phòng bệnh bằng việc tiêm chủng đầy đủ các loại bệnh theo mùa, theo độ tuổi, thì giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát và chú ý vệ sinh cá nhân như rửa tay, rửa mũi súc họng, đeo khẩu trang nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh,… cũng góp phần phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa. Bằng các biện pháp hiệu quả sẽ giúp chúng ta phòng tránh các bệnh và dịch có thể xảy ra, nhất là các bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19.
![]() |
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tăng cường sức đề kháng
Một chế độ ăn khoa học là rất cần thiết với mỗi người đặc biệt là trẻ nhỏ. Đây là yếu tố quan trọng giúp chúng ta có hệ miễn dịch vững vàng. Đặc biệt với các gia đình có con nhỏ, cha mẹ nên chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản.
Ngoài ra, ba mẹ nên tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều rau quả, uống nước ép trái cây có màu vàng, cam, đỏ như: Cam, cà rốt, cà chua… nhằm bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C cũng góp phần rất quan trọng tăng cường hệ miễn dịch của con.
Chế độ sinh hoạt hợp lý
Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng tiêm chủng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và ăn uống đầy đủ, thì chế độ sinh hoạt hợp lý và điều độ cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mỗi chúng ta: Ngủ đủ giấc, luyện tập thể thao đều đặn và phù hợp với thể trạng, sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý,...