- Tại Hội thảo báo chí “Truyền thông về an toàn thực phẩm và sức khỏe xử lý tin nhiễu và tin giả” diễn ra ngày 19/12 do Hội Nhà báo Việt Nam, Hiệp hội CropLife Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí thông tin phục vụ mục đích không trong sáng, mục đích vụ lợi.
Theo ông Hồ Quang Lợi, nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đã bị cường điệu hóa, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội. Điều đó cho thấy trách nhiệm to lớn của báo chí trong việc thông tin chính xác, khoa học, đồng thời nhận diện và phản bác những thông tin xấu độc, tin nhiễu, tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người dân có kiến thức để lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, tự chăm lo cho sức khỏe cá nhân.
Ông Lợi cũng cho biết, ngày 13/12/2019, tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm...Tại Hội thảo báo chí “Truyền thông về an toàn thực phẩm và sức khỏe xử lý tin nhiễu và tin giả” cũng đã cập nhật và bám sát các vấn đề mang tính xã hội, được dư luận quan tâm.
8 cách nhận biết tin giả
TS,Phạm Hải Chung - Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết: “Vấn đề về an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng là nơi xảy ra nhiều tin giả và tin nhiễu phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu thông qua mạng xã hội. Sức mạnh và mức độ sức lan tỏa của các trang mạng xã hội trực tuyến - nơi mỗi người tham gia đều có thể là một nhà báo, một chuyên gia đã khiến cho việc lan truyền các tin giả, tin nhiễu này khó kiểm soát hơn. Một số nhà báo cũng gặp khó khăn trong việc xác định và tiếp cận với các nguồn tin khoa học chính thống, đáng tin cậy và điều này cũng khiến cho sự kết nối của công chúng với các nguồn tin này bị hạn chế”.
Tại hội thảo, TS. Bùi Hải Chung đã nêu 8 cách để nhận biết tin giả:
1.Xem xét nguồn tin, nghiên cứu trang web bạn đang theo dõi thật kỹ, nhiệm vụ,sứ mệnh, thông tin liên hệ của nó có rõ ràng không?;
2.Nguồn tin có hữu ích? Cần kiểm tra các đường link xem thông tin có thật sự hỗ trợ cho câu chuyện không hay vì một mục đích nào khác.
3.Đọc toàn bộ: Tiêu đề có thể “giật tít” để thu hút người đọc. Còn toàn bộ câu chuyện thì sao?
4.Kiểm tra thời gian: Cẩn thận với các tin tức được đăng lại, chưa chắc chúng có liên quan đến những sự việc hiện tại.
5.Kiểm tra tác giả: Kiểm tra nhanh xem tác giả bài viết có đáng tin cậy không? Thậm chí có thật không?
6.Tin tức hay trò đùa?: Hãy tỉnh táo phân biệt được đâu là tin thật, đâu là trò đùa của cư dân mạng nhé!
7.Bẫy định kiến?: Nên cân nhắc xem bạn có đang thiên vị, hay có định kiến với đối tượng nào không?
8.Hỏi ý kiến chuyên gia: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc những nguồn tin đáng tin cậy.
Theo TS. Chung, tin tức giả rất đa dạng, có nhiều biểu hiện, cấp độ và sắc thái khác nhau (fake news, false news, bias news, unverified news...) Tin tức giả có thể do cố ý đưa ra nhằm phục vụ một nhóm lợi ích, hoặc bị vô ý lan tỏa từ các kênh truyền thông do thiếu kiểm chứng hoặc phù hợp niềm tin mù quáng của người đưa tin.
TS.Chung, chỉ dẫn tin tức giả cũng có thể là tin đồn không thể kiểm chứng, xác minh được, hoặc chỉ là tin xạo nhằm mục đích chơi khăm, thường được tạo ra dựa trên một sự việc hay sự kiện nhỏ, có thật và “chế biến”, đẩy nội dung đi sai sự thật.
"Tin tức giả ngày nay được truyền thông xã hội tạo điều kiện phát triển khá nhanh, khá mạnh và… đôi lúc rất nguy hiểm", TS.Chung cho biết.
TS.Chung cũng cho biết, Deception Detection for News, Đại học Western Ontario có phân biệt 5 loại tin tức giả mạo. Trong đó: Tin cố tình lừa gạt, đây hoàn toàn là những tin tức dựng đứng để đánh lừa người đọc; Những trang châm biếm: Các trang châm biếm đôi khi có thể bị hiểu lầm là đưa tin nghiêm túc; Lừa đảo quy mô lớn: Các tin tức sai lạc được cơ quan truyền thông lớn đăng lại vì nghĩ đó là việc tốt nhưng thực chất là họ bị mắc bẫy; Dữ kiện có chọn lọc: Các dữ kiện có thật, nhưng không đầy đủ, được lọc ra để giật một cái tít gây tiếng vang; Thiên vị: Trong những vấn đề như ý thức hệ hay tranh chấp lãnh thổ, thường khó xác định đâu là “sự thật”, và người đưa tin hoặc có ý thức, hoặc vô thức, có thể thiên vị một trong các bên đang tranh cãi.
Thẩm định hình ảnh, video giả mạo
Cũng như thông tin dạng văn bản, ảnh/video giả rất đa dạng, có nhiều biểu hiện, cấp độ và sắc thái khác nhau (fake news, false news, bias news, unverified news...)
Các dạng ảnh/video giả. Ảnh/video giả có thể do cố ý đưa ra nhằm phục vụ một nhóm lợi ích, hoặc bị vô ý lan tỏa từ các kênh truyền thông do thiếu kiểm chứng hoặc phù hợp niềm tin mù quáng của người đưa tin.
Ảnh/video giả cũng có thể là dạng thông tin xạo nhằm mục đích chơi khăm, gây cười; nhưng cũng có thể được tạo ra dựa trên một sự việc hay sự kiện nhỏ, có thật và “chế biến”, đẩy nội dung đi sai sự thật.
Theo TS.Chung ảnh/video giả ngày nay được truyền thông xã hội tạo điều kiện phát triển khá nhanh, khá mạnh và… đôi lúc rất nguy hiểm. Tại hội thảo, TS.Chung đã đưa một số cách để thẩm định hình ảnh video giả mạo. Hiện đã có một số trang web cung cấp cách truy tìm ảnh, video gốc để chúng ta dễ dàng phân biệt ảnh,video giả mạo.Theo đó, sử dụng dịch vụ online: http://exif.regex.info/exif.cgi. Đây là trang web giúp chúng ta có thể đọc các thông tin về một bức ảnh gốc như nơi chụp (nếu ảnh có tích hợp thông tin GPS), thời điểm chụp, thiết bị chụp và đặc biệt, ảnh đã qua chỉnh sửa hay chưa.
Sử dụng ứng dụng Photo Investigator: Đây là ứng dụng cho phép ta đọc EXIF bức ảnh dễ dàng trên thiết bị cầm tay.
Phần mềm JPEGsnoop: JPEGsnoop có khả năng “đọc” bức ảnh và cho ra “bằng chứng” nhanh nhưng hiểu các thông số hơi khó. Đây là ứng dụng miễn phí giúp bạn phân tích và kiểm tra hình ảnh đã được chỉnh sửa hay không. Ngoài ra, JPEGsnoop có thể giúp bạn phát hiện các cài đặt khác nhau đã được sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số khi chụp ảnh (siêu dữ liệu,EXIF, IPTC).
Dùng Photoshop để trị…photoshop: Photoshop cũng giúp chúng ta đọc các pixel theo bộ lọc RGB. Mỗi pixel dữ liệu thô sẽ có một trong ba màu này. Dữ liệu thiếu bị lấp đầy bằng vi xử lý hoặc phần mềm dịch dữ liệu thô từ máy ảnh ra, để làm điều này, cứ lấy các giá trị của pixel gần nhất. Như vậy, một bức ảnh nếu không có dấu hiệu “tự động lấp đầy” thì rõ ràng bức ảnh đó đã được can thiệp bằng cách khác, “phi tự nhiên”.
Dùng công cụ tìm kiếm ảnh Google Image: Tại ô tìm kiếm, có biểu tượng máy ảnh, bạn bấm vào đó và tải bức ảnh mình nghi ngờ lên, chỉ trong vài giây, Google sẽ tìm được ảnh tương tự. Có khi trong đó có ảnh gốc của bức ảnh đã bị photoshop.
Dùng công cụ tìm kiếm ảnh Google Street View: Google Street View là một ứng dụng cộng thêm của Google Maps, giúp người dùng có thể tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh trên bản đồ bằng ảnh thật. GSV bao gồm hàng triệu ảnh toàn cảnh. Đây không phải là dịch vụ để phát hiện ảnh giả. Tuy nhiên, chúng ta có thể tận dụng nó như một công cụ trong phân tích hình ảnh và video ở góc độ bối cảnh.
Một số công cụ khác cũng có thể giúp chúng ta phát hiện video giả: Công cụ Youtube DataViewer (truy cập tại http://www.amnestyusa.org/citizenevidence/): dán đường link của clip Youtube cần tìm hiểu thông tin vào khung trống rồi nhấn “Go”, công cụ này sẽ hiển thị thông tin chi tiết về thời gian đoạn clip được upload và một vài hình ảnh thumbnail của đoạn clip. Người dùng có thể sử dụng những hình ảnh thumbnail này để tìm kiếm trên Google để biếtđược những trang web nào đã đăng tải đoạn video, nhằm có thêm thông tin về đoạn clip.
Theo TS. Chung, phần mềm cũng không thể qua mặt các tay giỏi nghề làm hàng giả. Vì thế, công cụ chỉ là công cụ, để phát hiện tốt một bức ảnh giả mạo, cần có sự phân tích nội dung bức ảnh bằng trải nghiệm, hiểu biết chính trị - xã hội, cũng như việc chọn lọc nguồn thông tin tin cậy khi đọc, nghe, xem hiện nay.
Tiến Vinh (bài,ảnh)