- Sáng ngày 14/8/2023, UBND huyện Chi Lăng tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc huyện Chi Lăng và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng 10/10 gắn với Đền Chi Lăng; Mùa na Chi Lăng năm 2023 nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hoá, du lịch của huyện Chi Lăng cũng như giới thiệu những sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương. Tham dự buổi họp báo có đồng chí Vi Quang Trung Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Phùng Văn Nghĩa Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cùng lãnh đạo các cơ quan ban, ngành của huyện Chi Lăng. Về dự buổi họp báo còn có sự góp mặt của các Nhà báo, Phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
![]() |
Họp báo Ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Chi Lăng và Lễ hội chiến thắng Chi Lăng 10/10; Mùa na Chi Lăng |
Thông qua buổi họp báo, huyện Chi Lăng mong muốn quảng bá rộng rãi truyền thống văn hoá; giới thiệu các di tích lịch sử, văn hoá; tiềm năng du lịch Chi Lăng cũng như giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.
![]() |
Đồng chí Phùng Văn Nghĩa và đồng chí Vi Quang Trung, huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng chủ trì cuộc họp |
Chi Lăng là địa phương sở hữu những di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Ải Chi Lăng, Đền Chi Lăng, Đền Chầu Bát (TT. Đồng Mỏ), Đền Chầu Mười (xã Hoà Bình)...gắn với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm sắc thái đặc trưng của vùng biên ải với những tích, trò mang đậm bản sắc của đất và người vùng biên ải. Huyện Chi Lăng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mường, Cao Lan, Sán Chi... Cùng với đó là những nét văn hoá đặc sắc trong cộng đồng còn được lưu giữ từ trang phục, ẩm thực, kiến trúc… Những làn điệu hát then, hát sli, hát lượn, hát phong slư, hát lượn cổ Tày- Nùng, múa chầu, xiêng tâng, múa sư tử của các nghệ nhân tại các xã Gia Lộc, Bằng Mạc, Quan Sơn... được làm tư liệu để bảo tồn và lưu giữ tại Viện Âm nhạc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chi Lăng còn được biết đến là địa phương có nhiều phong cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng là các dãy núi đá vôi hoang sơ, thơ mộng; những hang động đá vôi tuyệt đẹp như: Hang Gió, Hang Bó Nam, Hang Nàng Tiên, Hang Ngườm Sâu…; các điểm danh thắng; di tích lịch sử; các khu du lịch sinh thái như danh thắng Hang Gió, thảo nguyên Khau Sao.... Chi Lăng còn sở hữu khí hậu mát mẻ, ôn hoà với nền nhiệt thấp và không khí trong lành, nhiệt độ trung bình năm khoảng 21,50C. Do được bao bọc bởi các dãy núi nên Chi Lăng ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Nếu đồng bộ được hạ tầng phát triển du lịch như đầu tư các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, homestay kết hợp với quảng bá rộng rãi thì Chi Lăng sẽ là điểm đến thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, khi đến với Chi Lăng, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn mang đậm phong vị xứ Lạng như: khâu nhục, vịt quay, lợn quay, gà đồi, rau cải ngồng, rau bò khai…
Ngày 10/10/2023 tới đây là ngày kỷ niệm 596 năm chiến thắng Chi Lăng với những lễ hội truyền thống và màn sử thi phục dựng lại những chiến công hiển hách của quân và dân ta thời kỳ đánh đuổi giặc phương Bắc. Ngày hội dự kiến thu hút được đông đảo bà con nhân dân trong huyện, trong tỉnh và du khách du lịch. Lễ hội chiến thắng Chi Lăng sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi mang đậm bản sắc văn hoá xứ Lạng như: phát động tuần lễ mặc trang phục truyền thống, liên hoan nghệ thuật đường phố mở rộng, tổ chức liên hoan múa sư tử, dâng hương, dâng hoa tại đền Chi Lăng và báo công tại Tượng đài chiến thắng Chi Lăng, rước lửa từ Đền Chi Lăng về sân vận động trung tâm huyện… Lễ hội Chiến thắng Chi Lăng là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng của ông cha ta, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí đấu tranh bất khuất tới thế hệ trẻ. Ngày hội cũng là dịp giao lưu văn hoá, văn nghệ các dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng và cũng là dịp để du khách thập phương chiêm ngưỡng, thưởng thức những giá trị văn hoá còn lưu giữ trong đời sống các dân tộc nơi đây.
![]() |
Núi mặt quỷ một trong những di tích nằm trong quần thể di tích Ải Chi Lăng |
Chi Lăng là địa phương phát triển kinh tế chủ lực vẫn là từ nông nghiệp với diện tích cây nông nghiệp hàng năm là 11.205 ha (số liệu năm 2017). Riêng diện tích trồng na năm 2023 đạt trên 3.000 ha, sản lượng ước đạt trên 30.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu từ quả na hàng năm trên 800 tỷ đồng. Na Chi Lăng từ lâu đã trờ thành một loại trái cây đặc sản được khách hàng trong và ngoài nước công nhận và tin dùng. Huyện Chi Lăng nhiều năm nay đã chỉ đạo, khuyến khích người dân và các hợp tác xã sản xuất theo hướng bền vững, an toàn và hướng tới việc xuất khẩu na đến các thị trường quốc tế nhằm tăng giá trị của quả na Chi Lăng, nâng cao thu nhập cho người trồng na. Huyện đã từng bước hướng dẫn, chỉ đạo người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhằm vừa tăng năng suất và giá trị quả na, vừa tiết kiệm chi phí từng bước nâng cao thu nhập. Hiện toàn huyện có trên 35 ha na đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và trên 800 ha na đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2023 có 3 sản phẩm na Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, Chi Lăng còn được biết đến với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng khác như hoa hồi ở xã Gia Lộc, Thượng Cường; vùng cây có múi ở xã Quang Lang, Y Tịch, Chi Lăng; vùng trồng ớt với sản lượng lớn.
![]() |
Quả na Chi Lăng đã trở thành đặc sản nổi tiếng cả trong và ngoài nước |
Ngày 19/8 huyện Chi Lăng sẽ tổ chức chương trình “Quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” tại chợ nông sản thị trấn Chi Lăng. Tuần lễ Quảng bá quả na và nông sản, đặc sản Lạng Sơn cũng sẽ diễn ra từ ngày 24/8-27/8/2023 tại Khu hội chợ triển lãm 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, huyện Chi Lăng sẽ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phầm na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản, đặc sản OCOP của huyện. Đây là hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín, thương hiệu, vị thế của sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
![]() |
Na Chi Lăng – ‘Trái ngọt vùng biên ải’ |
Để phát triển kinh tế địa phương giúp nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân góp phần vào công cuộc phát triển chung của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung, Chi Lăng còn rất nhiều việc phải làm. Tận dụng tốt những tiềm năng hấp dẫn của địa phương kết hợp với việc kêu gọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn xã hội hoá để từng bước xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch một cách bền vững.