Cải tiến trong doanh nghiệp ngành Sản xuất: Không chỉ là câu chuyện của máy móc

0
0

- "2023 là một năm khó để xây dựng kịch bản tăng trưởng trong doanh nghiệp. Lợi nhuận có thể sẽ mỏng và giá thành sản xuất tăng cao. Doanh nghiệp nên xem xét cơ hội áp dụng công nghệ để hỗ trợ cải tiến, cắt giảm chi phí và cải thiện giá thành sản xuất. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với bối cảnh này, mà còn giúp tổ chức có một nền tảng mới, sẵn sàng cho cạnh tranh và chiếm lĩnh vị trí trong chuỗi cung ứng khi điều kiện trở nên thuận lợi hơn", ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc P&Q Solutions - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tư vấn và Đào tạo Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhận định.

Cải tiến - Yêu cầu bức thiết với doanh nghiệp Sản xuất trong bối cảnh 2023

Bước sang năm 2023, trước tình hình kinh tế vĩ mô không mấy tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp gặp nhiều sức ép từ ngoại cảnh.

Sự thay đổi về các tiêu chuẩn trong ngành Sản xuất là một trong những yếu tố đặt doanh nghiệp trước thách thức. Nếu như nói 3 nhân tố được xem là quan trọng nhất trong ngành Sản xuất là chất lượng, tiến độ và chi phí cạnh tranh (Quality - Cost - Delivery), thì trong bối cảnh hiện nay, chất lượng trở thành nhân tố mà các doanh nghiệp buộc phải có, thay vì là nhân tố duy nhất giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh như trước đây. Do vậy, việc phải tập trung cải thiện tiến độ và chi phí là vấn đề mà doanh nghiệp sản xuất buộc phải quan tâm.

Ông Phạm Minh Thắng chia sẻ tại sự kiện Dẫn dắt Cải tiến - Kiến tạo đổi thay trong doanh nghiệp sản xuất được tổ chức bởi Base.vn
Ông Phạm Minh Thắng chia sẻ tại sự kiện "Dẫn dắt Cải tiến - Kiến tạo đổi thay trong doanh nghiệp sản xuất" được tổ chức bởi Base.vn

Cùng với đó, sự thay đổi quá nhanh về bối cảnh thị trường cũng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất dễ bị tụt lại phía sau. Để có thể thích nghi, cải tiến kịp thời và phù hợp với bối cảnh, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời 2 yếu tố: nắm chắc thực trạng bản thân, và triển khai đồng bộ các thay đổi.

Cuối cùng, doanh nghiệp Sản xuất cũng chịu thêm một sức ép đến từ mức độ cạnh tranh về lao động và công nghệ. Sau Covid-19, mức độ gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp giảm sút, nhiều nhân sự nghỉ việc khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân công. Bên cạnh đó, tỷ trọng công nghệ chung trong các nhà máy sản xuất tăng, đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ phần mềm để đảm bảo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.

Những sức ép trên đặt ra 3 thách thức cho doanh nghiệp Sản xuất: 1 - Hiệu suất phải tăng một cách liên tục và chi phí cần được tối ưu; 2 - Tăng cường sự phối hợp giữa các đội nhóm, đơn vị, các cấp; và 3 - Tạo ra các cơ hội để phát triển, thúc đẩy năng lực cá nhân của nhân sự và đầu tư công nghệ.

"Chúng ta có tài chính và công nghệ, nhưng đó không phải là lợi thế cạnh tranh bền vững vì doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư được. Nhưng nếu chúng ta cải tiến và tốc độ cải tiến nhanh hơn, chắc chắn đó sẽ là một lợi thế cạnh tranh bền vững mà không ai có thể bắt chước được", ông Thắng khẳng định.

Ba yếu tố không thể thiếu trong chương trình cải tiến

Theo ông Thắng, nhiều doanh nghiệp thực hiện cải tiến nhưng không giống nhau. Điều này xảy ra do sự khác nhau về thực trạng và mục tiêu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chương trình cải tiến nào cũng cần tập trung vào ba yếu tố cơ bản: Tôn trọng con người, Cải tiến liên tục, và Cải tiến dựa trên tư duy khoa học.

Con người là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp mà không một máy móc nào có thể thay thế. Con người có thể tự học, tự cải thiện, tự tiến bộ qua thời gian, thực hiện những mục tiêu thách thức và liên tục đổi mới sáng tạo. Vì vậy, các hoạt động, chiến lược cải tiến tại doanh nghiệp nên tập trung vào nhân sự của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, con người là loài mang tính xã hội, doanh nghiệp cần gắn nhân viên với các mối quan hệ xung quanh để kích thích sự phát triển của họ.

Cùng với đó, khi bắt đầu chương trình cải tiến, doanh nghiệp cần xác định phải thực hiện hoạt động này liên tục. Cải tiến không phải là những hoạt động phụ thuộc vào thời điểm, mang tính bộc phát, mà cần thực hiện đầy đủ tất cả các bước trong vòng tròn PDCA (Plan - Do - Check - Action) một cách thường xuyên: từ nắm bắt hiện trạng, xác định mục tiêu, lên kế hoạch, thực hiện kiểm tra, điều chỉnh và lặp lại.

Cải tiến phải xuất phát từ hiện trạng doanh nghiệp và thực tế xung quanh. Khi doanh nghiệp nắm rõ hiện trạng, hiện thực thì những ý tưởng cải tiến sẽ đến. “Cải tiến là quá trình học tập: đưa ra các giải pháp cho thực trạng, kiểm định cách giải pháp đó qua thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm”, ông Thắng cho biết.

Cách thiết kế chương trình cải tiến bền vững

Để thiết kế được một chương trình cải tiến, doanh nghiệp cần đảm bảo những yêu cầu sau: các yếu tố cốt lõi của một chương trình cải tiến, người tham gia chương trình cải tiến, lựa chọn hình thức cải tiến phù hợp, và các bước triển khai chương trình cải tiến.

Theo đó, chương trình cải tiến cần được áp dụng đối với mọi cấp trong doanh nghiệp: từ thành viên tổ sản xuất, quản lý hiện trường, quản lý cấp trung đến lãnh đạo cấp cao.

Chương trình cải tiến trong doanh nghiệp cần sự tham gia của nhân sự ở mọi cấp
Chương trình cải tiến trong doanh nghiệp cần sự tham gia của nhân sự ở mọi cấp

Thành viên tổ sản xuất có nhiệm vụ duy trì tiêu chuẩn và đề xuất cải tiến; quản lý hiện trường có nhiệm vụ thực hiện các cải tiến nhỏ cấp dây chuyền, cấp công đoạn; quản lý cấp trung có nhiệm vụ thực hiện các cải tiến lớn hơn trên dòng chảy giá trị; và lãnh đạo cấp cao có nhiệm vụ đưa ra các sáng kiến đổi mới, đồng thời vẫn hỗ trợ duy trì tiêu chuẩn và xem xét các đề xuất đưa từ dưới lên.

Về các hình thức cải tiến, hiện nay có 6 hình thức thường được sử dụng trong các doanh nghiệp sản xuất. Các hình thức này được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về mức độ ảnh hưởng, giảm dần về tần suất thực hiện: Nhóm chất lượng, Đề xuất cải tiến, Kaizen nhỏ, Dự án/Sự kiện Kaizen, Cải tiến hiện trường sản xuất, Chuyển đổi doanh nghiệp Lean.

Tùy vào mục đích mà doanh nghiệp có cách lựa chọn hình thức cải tiến phù hợp. Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn và lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể áp dụng cùng lúc nhiều hình thức cải tiến hoặc ưu tiên áp dụng một số hình thức.

Khi xác định được hình thức cải tiến phù hợp, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các bước trong chương trình cải tiến như sau: Xác định mục đích, Nắm bắt hiện trạng, Thiết lập điều kiện mục tiêu, Triển khai thử nghiệm đối sách, và Tiêu chuẩn hóa.

Cải tiến không phải đích đến, mà là công cụ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản để đi đến đích. Trong bối cảnh 2023 không có kịch bản tăng trưởng, một chương trình cải tiến hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất tối ưu thêm về chi phí, giá thành sản xuất, từ đó tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử được số hóa, làm sạch dữ liệu

(VnMedia) - Bộ Công an và ngành Ngân hàng đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại.

Làm thể nào để ngăn chặn các cuộc tấn công lừa đảo bằng giọng nói AI?

(VnMedia) - Sự tiến bộ nhanh như tốc độ ánh sáng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến mọi người dễ dàng trở thành con mồi cho các trò lừa đảo bằng giọng nói AI và những vụ lừa đảo kiểu này ngày càng trở nên phổ biến. May mắn thay, các chuyên gia công nghệ đã tiết lộ một cách khá dễ dàng để phân biệt con người với những bản sao điện thoại kỹ thuật số này...

Cẩn thận "sập bẫy" lừa đảo hướng dẫn đồng bộ ứng dụng VNeID mức 2 online

(VnMedia) - Các đối tượng đã tạo ra các ứng dụng giả mạo, sau đó giả danh lực lượng Công an đưa ra nhiều lý do khác nhau yêu cầu người dân cài đặt VNeID để chiếm quyền sử dụng điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng của các nạn nhân.  

Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP

(VnMedia) - Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50%...

Ngành Giáo dục sử dụng công nghệ đám mây như thế nào?

(VnMedia) -  Trong số những công nghệ tiên tiến, điện toán đám mây đang nổi lên như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện chất lượng giáo dục. Ngành Giáo dục tại Việt Nam ứng dụng công nghệ điện toán đám mây như thế nào?